Thứ Hai, 30 tháng 1, 2012



KHOA HỌC VÀ ĐỨC TIN: §4 - TỪ VẬT LÝ HỌC ĐẾN TÂM LINH HỌC


Triết học Hy lạp ngay từ đầu đã có sự lẫn lộn giữa vật lý học với siêu hình học đến nỗi có học giả đã nói cách giễu cợt rằng “vật lý học của Aristote là một thứ vật lý học siêu hình và siêu hình học của ông lại là siêu hình học vật lý” (xem T.T.Đỉnh. Triết học hiện sinh) Lý do khiến đưa đến có sự mập mờ lẫn lộn giữa siêu hình học và vật lý học như thế là vì cái gọi là vật lý học ấy trong thực chất cũng chỉ là một thứ tri thức luận có nghĩa thuần là lý thuyết. Chính bởi đó mà vật lý học (Physica) còn có tên khác là Thiên nhiên học (Natura physica). Tuy gọi là Thiên nhiên học nhưng lại không hề học về thiên nhiên (vật) mà lại về Thiên nhiên tính với những câu hỏi đại loại như “Làm thế nào một sự vật lại có thể cứ mãi là nó như thế mà đồng thời vẫn chấp nhận được những thuộc tính khác nhau đôi khi còn đối lập nhau nữa ?(L.T.Nghiêm. SĐD) Nguyên nhân khiến cho vật lý học cứ phải gắn liền với siêu hình học như thế bởi chưng còn thấy “ vật” dù “vật”ấy chỉ là nguyên tử rắn chắc không thể phân chia. Một khi đã thấy” vật”thì đương nhiên phải tìm cho nó một cái nguyên nhân và việc tìm ấy người ta gọi nó là siêu hình học, đệ nhất triết học, khoa học Thánh, Thần học v.v…Đang khi ấy với nền vật lý hiện đại người ta đã khám phá ra rằng”vật”không còn là”vật”mà là năng lượng. Điều này không thể không khiến cho toàn bộ Siêu hình học Tây phương tồn tại trong bấy lâu nay lâm cơn khủng hoảng và rồi đi đến chỗ sụp đổ
Một nền Siêu Hình Học được xây dựng dựa trên nền tảng của”vật”tức vẫn còn ở trong phạm vi”TĨNH CHỈ”= Vật luôn chỉ là vật mà không thể là”phi vật”. Núi chỉ là núi mà không thể là”phi núi.”Người chỉ là người mà không thể là”phi người”.. Trái lại khi vật không phải vật mà là năng lượng thì trái núi kia có thể được nổ mìn phá ra thành những viên đá lót đường, có thể nghiền nát để làm ximăng hoặc đục đẽo để thành tượng Phật, tượng Chúa v.v….. Còn cái gọi là”Người”đây cũng không phải cứ mãi là “người”mà có thể là quỷ, là Thần, là Thánh một ngày nào đó. Bất cứ một nền Thần học nào còn thuộc loại”TĨNH”như thế đều chỉ có thể sản sinh ra những khái niệm chết khô chẳng liên quan gì tới Thực Tại là cái biến chuyển không ngùng. Sự biến chuyển ấy dĩ nhiên không phải chỉ có tính cách vĩ mô nhưng nó diễn ra ngay trong lòng mỗi một nguyên tử”Thí nghiệm Rutherford cho thấy nguyên tử không hề là những hạt nhỏ không thể phân chia mà chỉ là không gian trống rỗng trong đó những hạt li ti vận động. Rồi bây giờ thuyết lượng tử lại còn cho rằng bản thân những hạt đó cũng chẳng cứng chắc gì cả theo nghĩa của vật lý cổ điển. Những đơn vị hạ nguyên tử là một cấu trúc trừu tượng  với thuộc tính hai mặt. Tuỳ theo chúng ta nhìn chúng như thế nào mà chúng xuất hiện khi là hạt khi khác là sóng. Ánh sáng cũng xuất hiện hai mặt, khi là sóng điện từ khi thì xuất hiện như hạt”(Fritjop Capra – Sđd)
Ở đây ta thấy với cái nhìn thấu thị của vật lý học hiện đại thì nền tảng của vật chất không phải là những hạt rời rạc không thể chia phân mà tất cả đều dung thông với nhau trong một tổng thể duy nhất. Sở dĩ có được sự dung thông ấy là vì bản thân cái gọi là hạt ấy chỉ là một không gian trống không. Nếu bản thân các hạt đã trống không thì toàn thể vạn vật cũng trống không. Trống không ở đây không phải là không có gì hết(ngoan không)nhưng là không có tự thể (vô tự tánh, vô ngã). Chính bởi không tự thể mà muôn sự muôn vật mới có thể hiện hữu. Trái núi vì không có tự thể nên mới có thể dung thông được với suối nguồn, rừng cây, chim muông đủ thứ. Con sông vì không có tự thể nên mới có thể dung thông được với từng bầy cá lội nhởn nhơ, còn thuyền bè thì ngược xuôi trên đó. Muôn sự muôn vật đã vậy thì con người cũng thế cũng hoàn toàn không có tự thể. Thân thể bao gồm lục phủ ngũ tạng, nếu mỗi tạng đều có tự thể. Tim chỉ biết có mình, gan ruột phổi phèo …. cũng thế thì làm sao mà các cơ quan ấy có thể dung thông với nhau để chúng ta có thể sống? Đây là xét về mặt thể chất thô phù, còn về phương diện tâm linh vi tế lại còn phức tạp hơn rất nhiều. Nếu ai cũng cứ theo ý riêng mình thì làm sao mà có thể đi đến chỗ cảm thông, hoà hợp hoà giải với nhau được ? Sự sống dù là loài vô tình hay hữu tình suy cho cùng hết thảy đều có sự hoà hợp. Sự hoà hợp ấy gọi là hợp với lẽ ĐẠO. Hợp với trời thì sống, trái với trời thì chết(Thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong) Sống cách sao để “Thuận thiên tức hợp với CHÚA, biết vâng theo Thánh Ý Ngài đó là tất cả yếu quyết của khoa học tâm linh đồng cũng là của ĐẠO CHÚA”Mọi sự đều ra từ Đức Chúa Trời, Ngài đã nhờ Đức Kitô mà khiến chúng ta hoà lại với NGƯỜI và giao cho chúng ta chức dịch giải hoà”2C. 5,18. Mục đích xuống thế của Đức Kitô là để cho con người hoà lại với THIÊN CHÚA, Nói đến hoà lại tức có nghĩa trước đó đã có sự bất hoà và sự bất hoà ấy đã khởi sự từ Adam nguyên tổ khi cố tình ăn trái cấm”ĐCT phán dạy rằng ngươi được tự do ăn hoa quả các thứ cây trong vườn. Nhưng về cây biết phân biệt điều thiện điều ác thì chớ có hề ăn đến,. Vì một mai ngươi ăn đến chắc là phải chết”STK, 2, 16-17. Trái cấm là biểu tượng cho sự phân biệt, còn Vườn Địa Đàng là Tâm Vô Phân Biệt. Khi tâm khởi phân biệt là lúc phải rời khỏi Địa Đàng để bước vào chốn gian trần khổ ải “Đất sẽ sanh chông gai, và cây trái đắng đót”STK, 3, 18. Tâm vô phân biệt cũng tức là cái tâm trẻ thơ(xích tử chi tâm) và đồng thời cũng chính là Nước Trời mầu nhiệm nội tại chỉ có thể được dành cho con trẻ”Cha ơi, Cha là CHÚA trời đất. Con cảm tạ Cha vì Cha đã giấu những điều này (mầu nhiệm Nước Trời)với những kẻ khôn ngoan thông sáng mà bày tỏ cho con trẻ. Phải Cha ơi, vì như vậy đẹp lòng Cha.”Mt 11, 25-27.
Tại sao mầu nhiệm Nước Trời chỉ mở ra cho con trẻ mà đóng lại với những kẻ khôn ngoan thông sáng ? Bởi vì con trẻ thì đơn sơ trong trắng, dễ tin, dễ nhận, trái lại những kẻ khôn ngoan thì cậy vào tài trí của mình, đức tin không thể triển nở, do vậy ngã chấp ngày càng sâu dày. Thiên Chúa là Đấng Ẩn Giấu (Deus Abconsditus) nhưng lại ẩn giấu ở nơi ta, phải bỏ “Cái Ta”đi thì mới có thể gặp được Ngài.Bỏ dược chừng nào thì CHÚA hiện chừng ấy, không bỏ thì không có cách chi gặp được. Chỉ khi nào bỏ hết ‘Cái Ta”đi thì khi ấy mới gọi là Thấy Chúa cũng tức là Sự Sống Đời Đời ở nơi chính mình”Sự sống đời đời là nhận biết CHA, (Kiến Tánh) tức Chân Thần Duy Nhất cùng GiêSu Kitô mà CHA đã sai đến”Ga, 17,3. Ai cũng biết theo Chúa thì phải”bỏ mình”tức bỏ cái TA đi, thế nhưng việc ấy vô cùng khó khăn bởi vì nó đã đụng chạm đến cái phần thâm sâu của bản ngã. Theo CHÚA thì giống như cái việc chèo nước ngược ắt sẽ không khỏi bị thế gian cho là khờ là dại. Tuy nhiên đường lối CHÚA là vậy không thể có cách nào khác “Vì tại thế gian cậy sự khôn ngoan mình, chẳng do sự khôn ngoan ĐCT mà nhận biết ĐCT cho nên ĐCT vui lòng dùng sự ngu dại của Đạo chúng ta để rao giảng mà cứu rỗi những kẻ tin”1C, 1-2 Chúa chỉ có thể cứu những kẻ tin, bởi đó Đạo Chúa cũng còn gọi là Đạo Đức Tin (Rm 10,8)

Tác giả: Phùng Văn Hóa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét