Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2012

Chữ Tâm
  05/02/2011 22:38:05 PM

Khi xuân về Tết đến, vào nhà một số người, ta bắt gặp họ treo một chữ TÂM viết bằng chữ Hán, mực tàu trên giấy hồng lồng vào khung son, viền vàng rất đẹp, treo nơi trang trọng nhất.


Chữ TÂM là chữ tượng hình (chữ Hán) giống hình quả tim của con người. Người thờ chưa TÂM họ muốn giữ tấm lòng mình hướng vào điều thiện, làm phúc, làm đức. Họ luôn tâm niệm một điều: Không để đồng tiền làm hoen ố danh dự và lương tâm. Tránh xa những điều tà đạo, gian manh, lừa lọc, xảo trá, nịnh bợ ton hót, luôn giữ cho lòng mình thanh thản, trong sáng, không làm điều xấu xa độc ác, sống độ lượng khoan dung, giàu lòng vị tha. Họ ghét cay, ghét đắng những kẻ có tâm địa xấu xa, hèn mọn. Căm thù những kẻ hà hiếp người yếu hơn mình, bòn rút của cải, tiền bạc của nhà nước và nhân dân, biển thủ tài sản quốc gia. 


Hiện nay số người thờ chứ TÂM treo trên tường, trên vách không còn phổ biến như trước, nhưng những người thờ chữ TÂM trong lòng thì nhiều lắm. Ngày ngày trên đài, báo, ti vi… đưa tin, đưa hình về những tấm lòng vàng. Có khi những người đó, có người cũng chẳng khá giả gì, nhưng họ lại nghĩ nhiều về tình người, tình đồng loại. Họ chia cơm, sẽ áo giúp đỡ những người nghèo khổ cùng cực, bão lũ thiên tai. Những bếp cơm từ thiện mọc lên khắp các bệnh viện từ Nam chí Bắc nhằm làm giảm đi một phần nào sự đau khổ, đói khát của người nghèo. Mục đích của họ không phải lấy tiếng tăm, khua chiêng gõ mõ, cờ giông trống thúc, lấy danh cho bản thân mình mà là góp một ít tiền bạc sức lực nhằm “cứu khổ, cứu nạn” cho mọi con người gặp bước khó khăn. Đó chính là chữ TÂM mà họ thờ trong lòng họ. Tình cảm của con người Việt Nam là vậy, khi chia bôi thì đòi hỏi lẽ công bằng phải từng li, từng tí. Nhưng khi hoạn nạn giúp nhau thì không kể ít hoặc nhiều. Những người thờ chữ TÂM dù là trong tâm hay trong nhà, họ sống rất khiêm tốn, giản dị “trọng nghĩa, khinh tài”, họ đồng tình với lời thỉnh cầu của chú cò con: “Có xáo thì xáo nước trong/ Đừng xáo nước đục đau lòng cò con”.


Những người biết trân trọng chữ TÂM đối với họ, dù nghèo khó đến mấy, cuộc đời có xô đẩy họ đến đâu đi chăng nữa, họ luôn giữ cái TÂM trong sạch: “Ngọc nát còn hơn giữ ngói lành”. Họ luôn dạy dỗ và hướng cho con, cháu sống nên làm việc thiện, tránh xa tà tâm, không làm điều bạc ác, phi đạo đức, để khỏi phải hổ thẹn với lương tâm. Họ thích câu của Nguyễn Du: “Chữ TÂM kia mới bằng ba chữ tài” .                        
                                                                                                                                     (ST)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét