Thứ Hai, 28 tháng 2, 2011

Cảm xúc về cha, mẹ!



Cứ nghĩ đến một lúc nào đó - khi không còn đủ sức để chống chọi lại với quy
luật khắc nghiệt của tạo hoá - mẹ xuôi tay về với thế giới bên kia - là tôi
không sao cầm được nước mắt.
Bao giờ cũng vậy, con người ta luôn hoảng hốt thấy mình bé nhỏ khi đem cái
hạn hữu của mình đối chọi với cái vô hạn, vô cùng của cuộc sống muôn màu, nghìn
vẻ. Thật bất hạnh và vô phúc cho ai - vì một lý do nào đó - không được mẹ chở
che, nâng dắt trong đời. Bao nhiêu tuyệt tác nghệ thuật trong kho tàng nhân
loại lấy cảm xúc từ chủ đề người mẹ dường như chẳng thấm vào đâu khi soi rọi
vào dáng hình cụ thể của từng người mẹ. Có một câu châm ngôn phương Tây nói
về mẹ từng đeo đẳng và ám ảnh tâm trí tôi từ những năm còn ngồi trên ghế nhà
trường. "Trong vũ trụ có lắm kỳ quan, nhưng kỳ quan tuyệt hảo nhất vẫn
là trái tim người mẹ". Vâng ! mẹ là kỳ quan sừng sững của nhân loại đồng
thời mẹ là kỳ quan của mỗi số phận, mỗi một con người. Bởi vì, ngoài những đức
tính cao quý chung nhất của người mẹ trên trái đất này thì mỗi người chúng ta
lại có một hình dung rất riêng về đấng sinh thành của mình.
Tôi thì lớn lên từ vùng đất cực nam của miền Trung nắng gió. Dòng sữa mẹ nuôi
tôi lớn khôn được kết tinh từ hương đồng cỏ nội trải qua lũ, hạn, bão, giông
khắc nghiệt muôn đời của hoá công. Mẹ ru tôi bằng ngôn ngữ của một loại kinh
Thi được chưng cất từ ca dao, hò vè, cổ tích, chứa chan nghĩa nặng tình sâu
của mẹ. Thế mà, quá nửa đời người, tôi chưa làm gì cho mẹ trọn một ngày vui.
Thời gian cứ như lạnh lùng trôi qua, tuổi đời ngày càng thêm chồng chất. Không
thể nào đếm được trong những nếp nhăn hằn dọc ngang trên trán mẹ có bao nhiêu
nếp nhăn đã sinh ra từ sự vô ơn, bất hiếu của đàn con. Đắng cay, nhọc nhằn và
bao điều phiền luỵ của cuộc đời cứ gặm mòn dần nhựa sống của mẹ khi trời chiều,
bóng xế. Mẹ vẫn thản nhiên nhận cả vào mình, không một tiếng than van, không
một lời trách móc. Đôi khi, do nông nỗi vội vàng, trẻ người non dạ, chúng ta
đã vô tình trút thêm lên đôi vai gầy guộc của mẹ những gánh nặng vô hình như
núi tảng.
Mẹ ơi! Con đã viết và in những bài thơ về mẹ nhưng dường như những nét chữ
vô hồn kia không làm vơi được một chút nặng nề nào trên đôi gánh luôn oằn vai
mẹ giữa hun hút đường xa.
Mẹ ơi! Con cứ lo sợ rằng đến ngày bàn tay hái quả của mẹ mỏi mòn, run rẩy
đưa lên mà con vẫn còn là một thứ quả non xanh giữa cây đời
Tôi hoảng hốt ngày bàn tay mẹ mỏi
Mình vẫn còn là một thứ quả non xanh.

(ST)

Thứ Sáu, 18 tháng 2, 2011

Mùa Xuân về!


Khi mùa xuân về, lòng người cũng như đất trời có một mối giao hòa khó tả, tinh hoa của đất trời là Mùa xuân.
Mùa xuân trong Kiều còn độc đáo chỉ bằng hai câu thơ của bậc thiên tài.
"Cỏ non xanh rợn chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa."

Cụ Nguyễn Du mô tả cái gì cũng vậy, bằng hai câu thơ mà gột tả được một con người như chàng họ Mã :

Quá niên trạc ngoại tứ tuần
Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao

Và một Sở khanh với "Hình dong chải chuốt, áo khăn dịu dàng" Với một Kim Trọng " Vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa". Nhưng với cụ Nguyễn không gì bằng cách tả cảnh của các mùa trong năm.
Mùa hè thì với "lửa lựu"

Dưới trăng quyên đã gọi hè
Đầu tường lửa lựu lập lòe đơm bông.

Với mùa Thu thì cảnh vật có mờ ảo hơn, mênh mông hơn với khói sương huyền hoặc, như một nhà thơ nào đó nói "vàng rơi vàng rơi,thu mênh mông". Với cụ Nguyễn " Long lanh đáy nước in trời, thành xây khói biếc non phơi bóng vàng"
Thật là tài tình phải không? Với ông chỉ một câu cũng có bao gồm "khói biếc" và "bóng vàng".

Lại nói về mùa xuân với "cỏ non xanh rợn chân trời" thì chúng ta thử bàn đến Mùa Xuân trong bài Xuân của Chế Lan Viên. Một mùa xuân không chờ,không đợi. Đúng vậy, có ai chờ đợi mùa xuân đâu, như Trịnh Công Sơn cũng đã nói: Thêm một mùa xuân của đất trời thì mất đi một mùa xuân của đời người.
Với Chế Lan Viên thì: Đem chi xuân lại gợi thêm sầu. Một tâm trạng buồn chán, "ai đâu trở lại mùa thu trước, nhặt lấy cho tôi những lá vàng" một hoài niệm trong cô đơn và vô vọng.
Mùa xuân trong thơ Hàn Mặc Tử thì mang dáng vẻ "dân dã" hơn, độc đáo hơn trong hoàn cảnh ông chưa bị bệnh, trước thời điểm người ta gọi là trường thơ "Điên"
Hình ảnh con người sống động hơn với hai câu. "Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời. Bao cô thôn nữ hát trên đồi"

Mùa xuân của Ông cũng gợi tả cho chúng ta một hồn quê mang dáng vẻ rất độc đáo: " Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng" mà con người với thiên nhiên như hòa vào nhau, cảm nhận những tinh hoa, nhạy cảm nhường nào. "Sột soạt gió trêu tà áo biếc". Nói đến mùa xuân, người ta thường nói đến sự tươi trẻ, lòng con người đầy nhiệt huyết, đầy sinh lực. Không phải vì thế mà không báo trước cho con người một mùa Xuân sẽ qua và mang đi tuổi xuân của mình. “ngày mai trong đám xuân xanh ấy, có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi” đó là một sự thật hiền nhiên. Nhưng với các thi nhân có cái gì đó “hết mình” với Xuân không ai khác ngoài Xuân Diệu. Với ông “vội vàng” với nàng thơ, đa tình với nàng Xuân. “Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua, Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già” với ông “trẻ” và “già” luôn canh cánh bên lòng, vì trẻ ẩn chứa cái gìa, trong sự “vội vàng” nhưng ông luôn luôn có một khát khao sống và muốn sống nhiều hơn nữa, không gian xuân của đất trời với ông còn quá nhỏ bé, chật hẹp nhường nào “Lòng tôi rộng nhưng lượng trời cứ chật, không cho dài thời trẻ của nhân gian”, Vẫn biết rằng xuân đi rồi xuân đến, nhưng mà với ông thì mùa xuân của con người không bao giờ trở lại. “Còn trời đất nhưng chằng còn tôi mãi, nên bâng khâng tôi tiếc cả đất trời”
Một nhà thơ Xuân Tường cũng có những cảm nhận riêng, rất riêng với bài Xuân. Với ông cũng vậy. Mùa xuân của đất trời thật đẹp, một nét nào đó cũng tương đồng với Xuân Diệu. “Cho xuân vẫn tưởng xuân còn trẻ, và những tình yêu vẫn mặn nồng” phải nói rằng ông cũng khá hời hợt. Ông cũng là người tự nhận mình đứng ngoài cuộc, ngoài những gì chuyển động của đất trời, vì ông nói rằng ông chỉ dành riêng mùa Xuân cho người mà mình yêu dấu “Tôi biết xuân này xuân của em” không còn nghi ngờ gì nữa, ông cũng “bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời” khi tuổi trên đầu luôn luôn cộng một, mùa xuân thì năm nào cũng có.

Mùa xuân trong thơ Nguyễn Bính mang một dáng vẽ dân dã kỳ lạ, mùa xuân như những cô gái quê mà “lòng trẻ còn như cây lụa trắng”. Lòng người với mùa xuân trong thơ ông mộc mạc, cũng như tình yêu cũng vậy. “bữa ấy mưa xuân phơi phới bay” và lòng người cũng đang phơi phói trong tình yêu, một tình yêu thật đơn giản, một tình yêu trong sáng nhường nào.

Chiều Xuân của Anh Thơ còn độc đáo hơn bởi “mưa đổ bụi êm êm trên bến vắng” thật là thong thả và yên bình dường bao. Bức tranh quê trong xanh, êm đềm đến kỳ lạ. Khi mùa xuân trong thơ Nguyễn Bính với “hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy” với hội chèo làng, thì trong Anh Thơ cũng “chòm xoan hoa tím rụng tơi bời” Cái yên bình và vắng lặng ấy rất độc đáo với “những trâu bò thong thả cúi ăn trưa” hoàn tòan ngược lại với “hội chèo làng” của Nguyễn Bính. Màu xanh của Xuân ở đây rất tươi thể hiện qua “xanh rờn và ướt lặng”, trong cái tĩnh có cái động, và con người ở đây cũng vậy.
Trong đồng lúa xanh rờn và ướt lặng
Lũ cò con chốc chốc vụt bay ra,
Làm giật mình một cô nàng yếm thắm
Cúi cuốc cào cỏ ruộng sắp ra hoa.

Trong âm nhạc thì có những mùa xuân tràn đầy niềm vui, mùa xuân hiến dâng cho đời “anh cho em mùa xuân, nụ hoa vàng mới nở, chiều đông nào nhung nhớ”
…………………………….

Nói về mùa Xuân trong thơ, trong nhạc thì không bao giờ hết, mỗi người, mỗi nhà thơ, nghệ sĩ cảm nhận với một tâm trạng, một góc nhìn khác nhau. Bởi vậy khi kết thúc bài này, rất mong sự góp ý của quý vị.
Những “mạo muội” của tôi có “thô thiển” thì xin các cao nhân đừng cười, và mong được học hỏi nhiều.
Ai đem tất cả vào tâm vọng
Dõi bóng đời qua cuộc tử sinh!

Chúc một năm mới an khang thịnh vượng

Thứ Năm, 17 tháng 2, 2011

LÒNG BAO DUNG



Trả thù, báo oán là cách ứng xử man rợ, thiếu đạo đức.

Luật trả thù báo oán kiểu “mắt đền mắt, răng đền răng” là thứ luật đã lỗi thời, không còn thích hợp nữa, thế mà ngày nay không ít người vẫn muốn cư xử với nhau theo thứ luật rừng man rợ đó. Ai móc mắt tôi, tôi móc mắt người đó. Ai đánh gảy răng tôi, tôi đánh gảy răng người đó…”

Trước hết, đây là cách ứng xử thông thường của loài vật, như gà chọi chẳng hạn: Con nầy đá qua, con kia mổ lại, đấu đá nhau cho đến khi cả hai đều gục xuống, kiệt sức, mình mẩy đầy máu me!

Đây cũng là phản ứng tự nhiên của những con trâu điên, của những con chó dại: Trâu nầy húc qua, trâu kia báng lại cho đến khi cả hai không còn hơi sức.


Những cách ứng xử như trên là man rợ, rừng rú, chỉ thích hợp cho một số loài động vật hung hãn. Là người, chúng ta không thể sống theo bản năng hạ cấp mang đầy thú tính như vậy.

Nhiều cuộc xung đột trên thế giới được giải quyết theo kiểu “mắt đổi mắt răng đền răng”, tức giải quyết bằng chiến tranh, trả thù, báo oán và đã đưa đến hậu quả vô cùng bi đát. Lịch sử chiến tranh giữa các dân tộc qua bao thời đã cho thấy điều đó.

Bao dung tha thứ cho kẻ thù là thượng sách.

Qua trích đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su muốn nâng nền luân lý nhân loại lên một tầm cao mới. Người đề xuất một giải pháp tối ưu cho mọi tranh chấp xung đột giữa người với người, đó là: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” và “Đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa” (Mt 5, 39.44)

Trước lời dạy nầy, những người nông nổi cho là nhu nhược, là hèn nhát, là yếu đuối; chỉ những ai khôn ngoan sâu sắc mới nhận thấy đây là giải pháp tối ưu để giải quyết mọi xung đột và đem lại an hòa.


Khi người ta quai búa tạ vào tảng đá cứng, đá sẽ dùng sự cứng rắn của mình để kháng cự lại búa, hậu quả là đá sẽ nứt vỡ ra, bị nghiền tán ra. Đá bị thất bại hoàn toàn!

Nhưng khi người ta quai búa giáng mạnh xuống hồ nước, nước sẽ dùng sự mềm mại của mình để vô hiệu hoá sức mạnh của búa. Nước không hề hấn gì nhưng búa thì sẽ bị chìm lĩm xuống tận đáy hồ. Thế là nước thắng lợi vẻ vang!

Khi gặp bão táp cuồng phong, những cây cổ thụ cao lớn cứng cáp dùng sự cứng rắn mạnh mẽ của mình để kháng cự lại bão tố. Hậu quả là chúng bị gảy cành, trốc gốc. Trong khi đó, những rặng tre, những cây lau sậy không hề kháng cự lại bão tố, nhưng dùng sự mềm dẻo của mình để uốn theo chiều gió nên chúng được an toàn.

Hiểu được quy luật đó nên Lão tử đã dạy môn sinh từ mấy ngàn năm trước: “nhu thắng cương, nhược thắng cường.” Vị sư tổ của môn phái Judo cũng đã dựa vào quy luật nầy để sáng lập nên môn phái Judo (nhu đạo), một môn võ thuật lấy mềm dẻo chiến thắng hung bạo cứng rắn.

Thay phần kết luận:

Gia đình ông A và ông B sống gần nhau và cùng trồng dưa trên hai lô đất kế cận. Gia đình ông A đam mê rượu chè, bài bạc, không chăm sóc vườn dưa nên vườn dưa xơ xác, không thu hoạch được gì. Trong khi đó, gia đình ông B chăm sóc vườn dưa chu đáo nên được bội thu, tiền vào như nước, sắm sửa được nhiều thứ trong nhà. Nổi máu ghen tị, ông A xúi con qua phá hoại vườn dưa của ông B, vừa hái trái ăn vừa nhổ cây, gây thiệt hại nặng nề cho gia đình ông B.

Trước sự gây hấn đó, gia đình ông B giận sôi gan, chuẩn bị mài dao mài rựa tìm cách báo thù.

Buổi tối trước khi ra tay hành động, ông B nằm suy nghĩ miên man và may thay, câu Lời Chúa ông vừa nghe trong thánh lễ ban sáng chợt vọng về: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em”… “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa.” (Mt 5, 44. 38-39).

Sáng hôm sau, nhờ Lời Chúa tác động, ông B bàn với vợ con cứ đến lúc trời mới tờ mờ sáng thì kéo nhau ra vườn dưa ông A, không phải để phá hoại trả thù, nhưng là chăm sóc, tưới nước, xịt thuốc, bón phân cho cả vườn dưa. Chẳng bao lâu sau, vườn dưa của ông A trở nên xanh tốt không kém gì dưa nhà ông B.

Khi biết được việc làm cao đẹp của ông B, cả gia đình ông A hết sức hối hận vì việc làm của mình, rồi dắt nhau qua tận nhà ông B để tạ lỗi. Từ đó, hai gia đình kết nghĩa anh em, thề nguyền yêu thương gắn bó với nhau cho đến mãn đời.



Thế đó, Lời Chúa là giải pháp tuyệt vời cho các xung đột giữa đôi bên.
Linh Mục Inhaxiô Trần Ngà

Cẩm nang cuộc sống lành mạnh hạnh phúc


Sức khỏe:

1. Uống nhiều nước.
2. Ăn sáng giống như vua, ăn trưa giống như ông hoàng và ăn tối giống như kẻ ăn xin.
3. Ăn nhiều thức ăn mọc trên cây và ăn ít thức ăn được chế tạo trong nhà máy.
4. Sống với 3 N – Năng lực, Nhiệt thành và Nhân ái
5. Tìm cho ra thì giờ mà cầu nguyện.
6. Chơi trò chơi nhiều hơn.
7. Đọc nhiều sách hơn năm 2010.
8. Ngồi yên lặng ít nhất 10 phút mỗi ngày.
9. Ngủ 7 giờ.
10. Đi bộ từ 10-30 phút mỗi ngày. Và mỉm cười trong khi bước đi.

Nhân cách:

11. Đừng so sánh cuộc đời của bạn với cuộc đời của những người khác. Bạn không biết cuộc hành trình của họ như thế nào đâu.
12. Đừng có những tư tưởng tiêu cực hoặc có những thứ mà bạn không thể làm chủ. Thay vào đó, hãy đầu tư năng lực của bạn vào khoảnh khắc hiện tại tích cực.
13. Đừng làm quá mức. Giữ giới hạn của bạn.
14. Đừng quá coi trọng bản thân bạn. Không ai để ý bạn ‎đâu.
15. Đừng phí năng lực quý ‎báu vào chuyện ngồi lê đôi mách.
16. Hãy mơ nhiều hơn khi bạn còn đang thức.
17. Ghen tỵ là phí thì giờ. Bạn đã có tất cả những gì bạn cần rồi.
18. Hãy quên đi những chuyện quá khứ. Đừng nhắc cho vợ/chồng của bạn nhớ lại những lỗi lầm của họ trong quá khứ. Việc này sẽ làm hỏng hạnh phúc hiện tại của bạn.
19. Cuộc sống quá ngắn để mà phí thì giờ vào việc ghét người nào. Đừng ghét những người khác.
20. Hãy làm hòa với quá khứ của bạn để nó không làm hỏng hiện tại.
21. Không ai lãnh trách nhiệm về hạnh phúc của bạn ngoài bạn.
22. Hãy nhận thức rằng cuộc đời là một trường học và bạn ở đây là để học. Các bài toán chỉ là một phần của học trình, xuất hiện rồi phai mờ đi giống như lớp đại số, nhưng cácbài học bạn học được thì sẽ kéo dài suốt đời. ..
23. Mỉm cười và cười nhiều hơn.
24. Bạn không buộc phải thắng mọi điểm đâu. Hãy đồng ‎ ý với việc không đồng ý.

Xã hội:

25. Hãy thăm viếng gia đình bạn thường xuyên.
26. Mỗi ngày, hãy mang lại điều gì tốt cho người khác..
27. Hãy tha thứ cho mọi người về mọi sự.
28. Hãy dành thì giờ cho những người ngoài 70 và dưới 6 tuổi.
29. Hãy cố gắng làm cho (ít ra) 3 người mỉm cười mỗi ngày.
30. Không cần biết những điều người khác nghĩ về bạn.
31. Việc làm của bạn sẽ không săn sóc bạn khi bạn đau ốm đâu. Bạn bè mới làm việc ấy. Hãy liên lạc với nhau luôn.

Đời sống:

32. Hãy làm chuyện đúng !
33. Loại bỏ bất cứ thứ gì không ích lợi, không đẹp hoặc không vui.
34. Trời chữa lành mọi sự…
35. Cho dù một hoàn cảnh tốt hay xấu, nó sẽ thay đổi.
36. Mặc cho bạn có cảm thấy thế nào, hãy ra khỏi giường, chưng diện lên và khoe thiên hạ.
37. Điều tốt nhất sẽ đến.
38. Mỗi sáng thức dậy mà còn sống, hãy cám ơn TRỜI về điều ấy.
39. Thâm tâm bạn luôn luôn muốn hạnh phúc. Thế thì, hãy sống hạnh phúc đi. ..
Khuyết Danh

Chủ Nhật, 13 tháng 2, 2011

Khóc với Mẹ Giáo Hội.


Tuesday, 7. December 2010, 00:22



Giáo Hội con ơi!
Mẹ con ơi!
Năm mươi năm biết Mẹ thì đã có bốn mươi năm con nhìn Mẹ sầu khổ!
Ba thù chẳng ở đâu xa,
Chính là ở trong lòng những đứa con kiêu căng đội lốt đời thập tự.
Lời Tân Ước đã bị biến thành lời tuyên ngôn chia cắt.
Thập Giá Thánh Thiêng đã bị biến thành cây thang leo danh vọng.
Những Lời Khấn tưởng như đời Tận hiến,
Cũng chỉ là một cam kết ngụy trang.
Những Đại hội những Tụ tập rùm beng,
Hồn quỷ dữ trong những Pharisêu tái thế!



Ôi, Mẹ ơi,
Con đang đi kiếm tìm những Thiên Thần Hộ Thủ!
Các bạn đang ở đâu,
Hay đang đứng khóc u sầu bất lực,
Cơn hoành hành của quỷ dữ khôn ranh,
Cũng thập giá nhưng là thập giá của người trộm dữ,
Đã dẫn đầu “Cuộc Thập Tự Chinh” tàn ác!
Mỗi tên lính mạo danh “lính của Mẹ”
Lốt Hồng Ân cho Đạo Quân kiêu ngạo,
Cố chiếm lấy những gì Giêsu từ bỏ!


Ôi Mẹ Giáo Hội ơi,
Mẹ con ơi!
Chúng con những đứa con lạc loài của Mẹ,
Uống Máu Cứu Chuộc của Cha mà lòng những nghìn năm còn chai đá.
Thánh Thể Cha ban sao vẫn chẳng đủ ư!
Cha cần chúng con dọn đền thờ trong tâm hồn thơ trẻ phó thác,
Mà nay Cha vẫn phải ép mình náu thân trong những ngôi đền đồ sộ,
Lộng lẫy nguy nga nhưng chẳng thấy bóng Tình Yêu.
Thêm nhọc nhằn và thêm giận hờn muôn lối.


Truyền giáo ư!
Thợ gặt ư!
Mẹ Giáo Hội đau nhói,
Nhìn con cái mình tranh quyền cậy thế khắp bốn biển năm châu.
Sao lại phải có “ Thần quyền” bên “ Thế Quyền” như thế!
Cha trao ban Tự Do cho ta với Giá Máu Cứu Chuộc,
Là Ngài đã trao ta quyền uy tối thượng,
Muốn sống Hạnh Phúc hay chôi từ Hạnh Phúc.
Luxiphe đã chọn quyền chọn thế,
Chọn ngai vàng của đế chế Kiêu Căng.
Thôi thì “nhường cho nó” nhưng luôn cầu nguyện cho “ nó”!
Vì dù sao,
Lòng Nhân Từ và Thương Xót bao la
Của Thượng Đế đã một lần Nhập Thế trong thân xác loài người để hoàn tất Cuộc Phục Sinh,
Sẽ chẳng keo kiệt gì khi Thượng Đế luôn dành cho “nó và tinh binh của nó" những cơ hội Cứu Rỗi.



Mẹ Giáo Hội ơi,
Mẹ con ơi,
Chúng con xin thức cùng Mẹ để cầu nguyện.
Liên lỉ,
Và suốt cuộc đời.
Tin vào Cha,
Thì chúng con cũng cùng với Mẹ Giáo Hội tin chắc một điều:
Quỹ Dữ và mọi tinh binh sẽ quy hàng và phục thiện Thiên Chúa.
Lễ Rửa Tội cuối cùng của trần gian sẽ là Lễ Rửa Tội cho tạo vật cuối cùng của Cha,
Tạo vật cuối cùng sẽ rời xa ngai vàng của Kiêu Ngạo,
Để về lại trong vòng tay Thương Yêu của Thiên Chúa,
Giữa nô nức của bao Nụ Cười mừng vui và bao nước mắt biết ơn của toàn thể Giáo Hội Hoàn Cầu.
Cha sẽ chẳng để ai hư mất đời đời!
Lửa hỏa ngục sẽ chỉ còn trong cổ tích năm xưa.


Joscaothai.

Hạt mưa rơi trên lá nhỏ.


Sunday, 13. February, 09:55

Em xin chào chị,
Đêm nay em lang thang vào mạng,
Đi tìm những người con gái biết khóc,
Khóc trong đêm,
Khóc trong mưa,
Khóc sau những nỗi nhọc nhằn,
Khóc vì mắt mình sao bỗng nặng tình yêu,
Tình yêu trong cuộc đời mới lớn.

Chị ơi,
Những giọt nước mắt của chị sẽ hóa thành bất tử,
Những hạt kim sa của tuổi trẻ đong đầy.
Cuộc đời thì lớn quá,
Mà nỗi yêu thương thì cũng cứ ngút ngàn trỗi dậy.

Xin chị cứ khóc đi,
Cho dù nước mắt có đầm đìa trên gối.
Mỗi lần chị khóc,
Là nhân loại lại được tái sinh,
Tái sinh trong Thánh Thần,
Tái sinh trong Lòng Cha Yêu Thương.

Giọt nước mắt của chị là Ân thưởng trời ban,
Xin chị hãy giữ lấy,
Hãy cứ chan hòa trong bao đêm,
Cứ gục đầu trong tình CHA mà nức nở.

Chỉ có yêu thương mới làm ta khóc được.
Khóc là thiên đường để sớm bước vào mộng mơ.
Mơ trên một con đường dài của riêng cuộc đời chị.
Tuổi mười tám đôi mươi,
Chị đã gánh vác cuộc đời.

Em cũng là mưa rơi,
Em cũng vẫn là những hạt mưa tí tách.
Mưa em thì mặn phù sa,
Mưa chị thì măn mà Tin Yêu và Phó Thác.
Hai chị em mình cũng sống mãi chị nghe!

Em của chị,
"hạt mưa rơi trên lá nhỏ"
jos.caothai