Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2012


ĐỨC GIÊSU – BẠN CỦA NGƯỜI TRẺ
Mừng lễ Giáng sinh, chúng ta kỷ niệm ngày Đức Giêsu – Con Thiên Chúa làm người. Đây cũng là dịp để mỗi người nhìn lại cuộc sống của mình trong tương quan với Thiên Chúa, cụ thể qua Hài nhi Giêsu, và tha nhân, đặc biệt những thân phận bé nhỏ.
Với các bạn trẻ, cuộc sống luôn bị cuốn vào vòng quay của một thế giới ồn ào, náo động, ít có “khoảng lặng” riêng cho tâm hồn, thì đây là dịp tốt để trở về với chính mình, nhận diện lại đời sống đức tin của bản thân. Trong hành trình trở về, Đức Giêsu là người bạn để cho người trẻ tìm gặp và chia sẻ; không phải vì Đức Giêsu đã làm những việc vĩ đại, mà chỉ vì Người, dù là Con Thiên Chúa, nhưng đã mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế[1]. Và hơn nữa, ngày nay Đức Giêsu vẫn đang đồng hành với mỗi người trong cuộc đời.
Đức Giêsu - Thiên Chúa mặc kiếp con người
Niềm tin của chúng ta xác tín, Đức Giêsu - Ngôi Hai Thiên Chúa đã đến với con người, sống kiếp con người[2]. Người mang vác tất cả những gì là yếu đuối của thân phận con người, ngoại trừ tội lỗi[3]. Không có một “ông chúa” nào dám hạ mình như thế cả. Có thể nói, qua Đức Giêsu, Thiên Chúa đã xuống tận cùng với con người trong kiếp sống này. Chúng ta tự hỏi, “Ai có thể phát minh ra dấu chỉ tình yêu lớn hơn thế? Chúng ta ngây ngất trước mầu nhiệm Thiên Chúa đã hạ cố mang lấy thân phận con người, đến độ hiến cả mạng sống trên thánh giá (Xc. Pl 2,6-8)[4]. Như thế, không có gì con người đang mang vác mà ngày xưa Đức Giêsu đã không từng vác lấy, và ngày nay Người vẫn đang gánh chịu và bước đi với mỗi người. Người chấp nhận như thế để phẩm giá của con người được nâng cao cũng như cuộc đời chúng ta trở nên có giá trị. Đó cũng là dấu chỉ để chúng ta hy vọng được đón nhận vào Nước Trời.
Không chỉ thế, Đức Giêsu làm người còn đem đến cho chúng ta những niềm vui mới - niềm vui được giải thoát khỏi tội lỗi và sống là người tự do trước mặt Thiên Chúa[5]. Trái đất này cũng trở nên vui hơn, đẹp hơn khi có Con Thiên Chúa cùng hiện diện. Hơn nữa, Đức Giêsu còn là Lời mời gọi chúng ta hãy sống cho ra một “Con Người” với tất cả những phẩm giá cao đẹp của mình. Người cũng là Lời mời gọi mỗi người hãy lên đường đến với tha nhân, chia sẻ với nhau tất cả những gì tốt đẹp nhất, hoàn hảo nhất. Chỉ khi nào sống như thế, chúng ta - những người trẻ- mới hoàn thành vận mạng cuộc đời mình trong hành trình trở nên người môn đệ của Thầy Chí Thánh.
Đức Giêsu - Người Thầy của tình yêu
Chúng ta còn nhận ra nơi Đức Giêsu có vai trò khác, đó chính là vị trí một người thầy. Cách giảng dạy của Đức Giêsu được mọi người thán phục, vì lời của Người có uy quyền[6]. Thầy Giêsu dạy bảo những điều cơ bản nhất để con người sống đúng và sống thật. Thầy không đặt ra lề luật để buộc vào cổ con người, nhưng Thầy đưa ra những hướng đi, mời gọi con người chọn lựa. Thầy dẫn con người đến với tình yêu hơn là đưa họ vào trong vòng lề luật[7]. Thầy chỉ ra rằng, một khi đã sống trong tình yêu thì luật không còn là vấn đề lớn phải quan tâm. Chúng ta có tìm được người thầy nào dễ chịu và tốt bụng hơn thế chăng?
Trong tất cả những bài học Thầy Giêsu đã dạy, bài học khiêm hạ được Thầy diễn tả cách rõ nét nhất bằng chính đời sống của mình. Thầy khiêm hạ trước Chúa Cha bằng đời sống cầu nguyện và sự vâng phục. Chúng ta có thể nhận thấy điều này rất rõ khi đọc Tin Mừng. Với anh em, Thầy khiêm hạ khi cúi xuống thật thấp để rửa chân cho từng người[8]. Có vị thầy nào trên thế gian này dám cúi xuống rửa chân cho môn đồ chăng? Bài học khiêm hạ này mãi còn giá trị, để mỗi người trẻ học lấy và biết cúi mình trước những giới hạn của bản thân.
Đức Giêsu - Người Bạn đồng hành của con người
Đẹp biết mấy nếu cuộc đời của chúng ta có những người bạn luôn sẵn sàng chia sẻ niềm vui và dám chung chia những nỗi buồn. Cuộc sống hôm nay cho chúng ta rất nhiều người quen, nhưng để có được người bạn đồng hành thực sự thì không phải dễ. Chúng ta có thể giới thiệu: “người quen của tôi đó”, nhưng có là bạn hay không thì khó lòng đoán biết.
Hình ảnh Đức Giêsu Phục sinh đồng hành với hai môn đệ trên đường Emmau[9], gợi lên cho chúng ta niềm hy vọng về một Người Bạn vẫn đang bước bên cạnh ta để chia sẻ những vui buồn của kiếp nhân sinh. Người là bạn của chúng ta trong mọi hoàn cảnh, khi ta vui cũng như lúc buồn; khi ta nhớ đến hay lúc ta quên Người; khi ta tốt lành hay lúc ta tội lỗi... Mọi lúc, mọi nơi, Người luôn là bạn của ta. Vấn đề là chúng ta có dành chỗ để Người cùng đi hay không? Chúng ta có dành thời gian để tiếp Người hay không?
Ngày nay, nhiều bạn trẻ không còn giờ để gặp gỡ bạn Giêsu. Chúng ta cứ đòi hỏi sự đồng hành và nâng đỡ từ bạn Giêsu, nhưng chúng ta lại không dành một chỗ để Bạn đi cùng. Tâm hồn chúng ta đã quá chật thì lấy chỗ nào để Bạn Giêsu bước vào? Mở lòng ra với Bạn thì Bạn sẽ đến; dành thời gian cho Bạn thì Bạn cũng không tiếc chúng ta điều gì. Bạn Giêsu là thế đó! Sẵn sàng chia sẻ niềm vui và thành công, cũng như dám liên lụy nỗi buồn và thất bại với mỗi người chúng ta.
Tạm kết
Thế đấy! Giêsu đã sống trọn vẹn với tất cả những gì trong thân phận con người. Giêsu cũng đã sống như một vị thầy, nhưng không bao giờ bắt môn đệ phải “trả bài”. Giêsu cũng là một người bạn vẫn đang bước đi bên đời mỗi người. Thử hỏi, một Giêsu như thế có bao giờ tôi cảm nhận được không? Đã khi nào tôi để cuộc đời cho Giêsu đến và chiếm ngự chưa? Hay Giêsu chẳng gắn kết gì với cuộc đời tôi cả! Nếu thế, hãy mở lòng ra, từng ngày từng giờ trong cuộc sống, rồi Bạn Giêsu sẽ đến, và khi đó, cuộc đời ta không thể sống nếu thiếu Giêsu.
Khi nhận ra rằng, cuộc đời không thể thiếu Giêsu là lúc ta được mời gọi để dấn thân cho tha nhân, cách riêng cho những mảnh đời bất hạnh. Không thể thiếu Giêsu là - như thánh Phaolô đã nói: “Tôi sống nhưng không phải tôi sống, mà là Giêsu đang sống trong tôi[10]. Giêsu sống trong ta thì Giêsu đã làm gì cho tha nhân, ta cũng được mời gọi để làm như thế. Từ đây, Giêsu đã thực sự trở thành sức sống trong ta. Dấn thân cho người khác là ta đang sống cuộc đời như Giêsu. Chia sẻ nỗi đau của anh em là ta đang chia sẻ nỗi đau của chính Giêsu. Yêu thương tha nhân là ta đang thực hiện chính công việc Giêsu đã làm, và cũng chính là ta đang yêu thương Giêsu nữa. Có Giêsu trong đời, ta chỉ còn thao thức một điều Giêsu hằng mời gọi, hãy trở nên những đầy tớ cho tha nhân như chính Giêsu đã là người phục vụ của mọi người.
Jos. Mai Văn, op.

Chủ Nhật, 15 tháng 7, 2012

Bài giảng của Cha Giuse Phạm Ngọc Quang trong Thánh Lễ Chúa Nhật ngày 15 tháng 7 năm 2012 tại Giáo hạt Vạn Lộc:
                             http://www.mediafire.com/?cbcmsu9lcg3520v

Thứ Sáu, 18 tháng 5, 2012


9 ân đức của Cha Mẹ

Sinh: người Mẹ phải khó nhọc cưu mang hơn chín tháng, chịu sự đau đớn trong lúc đẩy thai nhi ra khỏi lòng mẹ 

Cúc: Nuôi dưỡng, nâng đỡ, chăm nom, săn sóc hài nhi cả vật chất lẫn tinh thần. Tình cảm rất tự nhiên nhưng gắn bó ân cần, nên khi Cha Mẹ nhìn con thêm hân hoan vui vẻ, bé nhìn Cha Mẹ càng mừng rỡ cười tươi.

Súc: Cho bú mớm, lo sữa nước cháo cơm, chuẩn bị áo xống ấm lạnh theo thời tiết mỗi mùa; trông cho con lần hồi biết cử động, điều hòa và nên vóc nên hình cân đối xinh đẹp.

Dục: Dạy dỗ con thơ động chân cất bước linh hoạt tự nhiên; biết chào kính người lớn, vui với bạn đồng hàng; tập con từ câu nói tiếng cười hồn nhiên vui vẻ. Khi trẻ lớn khôn thì khuyên răng dạy dỗ con chăm ngoan, để tiến bước trên đường đời.

"Dạy con từ thuở còn thơ,
Mong con lanh lợi, mẹ cha yên lòng"

Vũ: Âu yếm, nâng niu, vuốt ve, bế ẵm ... để con trẻ vào đời trong tình cảm trìu mến thân thương .

Cố: Chăm nom, thương nhớ, đoái hoài, cố cập con trẻ từ tấm bé đến khi khôn lớn, lúc ở gần cũng như lúc đi xa :

"Con đi đường xa cách
Cha Mẹ bóng theo hình
Ngày đêm không ngơi nghỉ
Sớm tối dạ nào khuây"

Phúc: Giữ gìn, đùm bọc, che gió, chắn mưa, nhường khô, nằm ướt, hay Cha Me quên mình chống đỡ những bạo lực bất cứ từ đầu đến, để bảo vệ cho con.

Phục: theo khả năng và tâm tính của trẻ mà uốn nắn, dạy dỗ, tìm phương pháp hướng dẫn trẻ vươn lên hợp tình đời lẽ đạo, tránh cho con bị lôi cuốn bởi tiền tài ảo vọng, vật chất và thị hiếu bên ngoài.

Trưởng: Lo lắng tận tình, đầu tư hợp lý, cho con học tập để chuẩn bị dấn thân với đời; cố vấn cho con nên vợ thành chồng xứng hợp với gia phong, thế đạo. Dù không cố chấp vấn đề "môn đăng hộ đối", nhưng vợ chồng so le về tuổi tác, trình độ, sức khỏe và khả năng thu hoạch tiền tài... cũng thiếu đi phần nào hạnh phúc lứa đôi, mà tuổi trẻ thường vì tiếng sét ái tình, làm lu mờ lý trí, khi tỉnh ngộ xem như chén nước đã đổ, khó mà lấy lại đủ!
Sưu tầm

Thứ Năm, 17 tháng 5, 2012



ĐỨC TIN VÀ LÝ TRÍ
“Tôi biết tôi tin vào ai” (2Tm 1, 12)

      
      
       Nhiều người nghĩ rằng nhân loại càng văn minh hiểu biết, khoa học càng phát triển, thì những huyền thoại và mọi niềm tin cũng chấm dứt, con người sẽ tự động vượt thoát khỏi những lệ thuộc tôn giáo để chỉ tin vào sức mạnh vạn năng của lý trí. Bởi vậy, lý tính khoa học được tôn làm thẩm phán tối cao và là nguồn gốc của mọi chân lý. Nhà khoa học Berthelot đã ngang nhiên xác quyết như sau:“Thế giới này không còn huyền bí nữa… Khái niệm phép lạ và siêu nhiên tan biến như một ảo ảnh vô ích, một thiên kiến lỗi thời”. Thế nhưng nhà bác học Albert Einstein khẳng quyết ngược lại: “Điều đẹp nhất mà chúng ta có thể cảm nhận được chính là khía cạnh huyền bí của cuộc đời. Đó là tình cảm sâu xa ở trong nôi của khoa học và nghệ thuật đích thực”.
       Không chỉ những người vô thần, mà còn ngay trong nội bộ Kitô giáo, cũng có những người mang tham vọng muốn “giải huyền” để chỉ còn lại những gì là thuần túy nhân loại. Nhưng khi người ta chối bỏ niềm tin này thì lại tạo nên niềm tin khác, phủ bỏ Thần Thánh nọ thì lại dựng nên thần thánh kia. Thay vì tin vào một Thực tại Siêu việt hay vào Thiên Chúa, thì họ lại tin vào những thực tại trần thế được con người tuyệt đối hóa. Bởi vậy, Thượng đế của nhiều người hôm nay là tiền bạc, danh vọng, khách hàng, tiến bộ khoa học kỹ thuật, hay những nhân vật được đánh bóng và thần thánh hóa. Những ai đã từng đặt hết hy vọng vào cuộc sống này thì cuối cùng kết quả thực tế là gì? Những tang thương, vỡ mộng của những hy vọng trong thế kỷ qua chưa làm thức tỉnh những ai chỉ tin vào quyền lực của lý trí sao? Khoa học có thể giải đáp nổi cái huyền bí đen tối nhất của đời người là cái chết sao? Paul Valéry nói lên tâm trạng của con người hôm nay rằng: “Chúng tôi văn minh? Nhưng chúng tôi biết rằng chúng tôi phải chết!”. Như vậy, niềm tin vào Thiên Chúa là huyền thoại hay niềm tin vào cuộc sống này là huyền thoại?

1. Huyền thoại hay huyền nhiệm?
       Điều quan trọng đối với chúng ta không phải là khai trừ mọi huyền thoại, hay chối bỏ mọi niềm tin để rồi làm cuộc đời trở nên nghèo nàn và trống rỗng. Nếu biết đề cao lý trí, thì hãy dùng lý trí để chọn lựa, gạn lọc những gì có thể làm triển nở và nâng cao tầm nhìn của con người. Lý trí phải sáng suốt phân biệt huyền thoại với huyền nhiệm, thần thoại với niềm tin chân chính. Phải vượt qua huyền thoại để tiến sâu vào huyền nhiệm. Huyền thoại chỉ là sản phẩm của con người, có tác dụng kích thích trí tưởng tượng và làm nên những cảm hứng rất thi vị cho đời, nhưng nó không có khả năng nuôi dưỡng tâm hồn. Huyền thoại tích cực có thể gợi ra phương hướng sống nhưng không làm nên lý tưởng sống. Nó có thể làm nên những ước mơ, nhưng không thể biến ước mơ thành hiện thực.
       Trái lại, huyền nhiệm là tác phẩm của Thiên Chúa, là sinh khí làm nên sự sống mới cho tâm hồn, là chân trời mới bộc lộ cho ta những gì ẩn giấu trong Thiên Chúa mà Ngài muốn mặc khải cho nhân loại. Huyền nhiệm đưa ta vào thế giới của Thiên Chúa, mang lại cho ta tâm tình an vui và hy vọngdạy ta biết sống yêu thương và hiến dâng. Đành rằng con người không thể sống thiếu cơm bánh, nhưng cũng không thể sống viên mãn chỉ bằng cơm bánh. Đành rằng chúng ta phải sống thực tế, sống hết mình và hết tình để thăng tiến bản thân và góp phần xây dựng cuộc đời này, nhưng cũng phải sống có lý tưởng, có niềm tin và sự trông cậy để được nâng đỡ và ấp ủ trong huyền nhiệm. Trên nền tảng thiêng liêng đó con người mới vững vàng vượt qua gian nan và thách đố của cuộc đời để thành toàn chính mình trong một định hướng siêu việt, đã được ghi khắc trong chính thâm tâm của mỗi người.
       Quả thật, “Cái thế giới tinh thần của con người là vô cùng phức tạp, vì sự vận động của nó luôn luôn nhắm tới cái thật cao và thật xa. Càng có tuổi thì cái nhu cầu hướng tới cái tận thiện tận mỹ, thậm chí tới cái vô cùng càng mãnh liệt.” (Nhà Văn Nguyễn Khải). Không phải chúng ta muốn khoác cái áo huyền nhiệm vào cuộc sống này, nhưng tự cuộc sống đã là điều thiêng liêng, huyền nhiệm. Bởi vì con người đã được sáng tạo nên như thế. Huyền nhiệm chính là bản chất của đời sống con người: “Linh ư vạn vật”.  
2. Ý nghĩa sâu xa của đức tin
Trong tâm trí mỗi người có một khoảng trống dành cho sự vô tín hoặc sự nghi ngờ hiện diện. Có nhiều vấn đề người ta suy nghĩ mà không tin, cũng có những điều người ta tin mà không suy nghĩ. Có nhiều vấn đề con người tin mà không thực hữu, nhưng cũng có những điều thực hữu mà con người chưa tin.
Đức Tin là một điều tối quan trọng mà con người không ý thức hết. Đó là vì sự hiểu biết của con người còn quá ít so với chân lý mênh mông. Nếu phủ nhận đức tin, con người chỉ còn lại phần lý trí hẹp hòi mà thôi. Nhưng khi con người đã có lòng tin mà lại tin một cách thuần lý trí để rồi lòng tin ấy tiếp tục bị đặt vào sự sai lầm nữa thì còn khốn đốn hơn. Chúa biết điều nầy nên Ngài ban cho chúng ta Đức Tin vào Ngài. Chúng ta tin rằng có vô số vấn đề đã được dựng nên, đã hiện hữu từ trước mà con người chưa biết, chưa nghĩ ra và chưa tin. Hay nói một cách khác, có những sự thực hữu mà tâm trí con người chưa hề với tới. Ngoài tâm trí, con người còn vô số thực hữu mà “Bây giờ tôi biết chỉ có ngần có hạn, mai sau tôi sẽ được biết hết, như Thiên Chúa biết tôi.” (1Cr 13, 12).
     Tin không những là tin có Thiên Chúa (credere Deum), mà còn tin nơi giáo huấn của Ngài (credere Deo) và tin vào tình thương của Ngài (credere in Deum). “Tin trước hết là chấp nhận được cứu rỗi, được tha thứ, được yêu thương vô cùng. Chúa không phải là Đấng bắt con người phải kính mến, nhưng là Đấng mà con người phải để cho Ngài yêu thương mình vô hạn”. (ĐHV, 113). Thiên Chúa cao cả, siêu việt, không phải vì Ngài “toàn năng”, nhưng vì Ngài “toàn ái”.
Đã gọi là đức tin tất nhiên vượt trên lý trí và trong những trường hợp nào đó ta phải từ bỏ một phần nào đòi hỏi chính đáng của lý trí. Vì tin không thể đồng nghĩa với tôi thấy hay tôi biết. Đã biết, đã thấy thì đâu còn gọi là tin. Chính vì vậy mà thư gởi tín hữu Do Thái mới xác định: “Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy.” (Dt 11, 1). Đức Bênêđictô XVI cũng cho biết: “Ngay bây giờ, đức tin đã cho chúng ta điều gì đó của thực tại được mong chờ, và thực tại hiện tại cho chúng ta một “bằng chứng” về những điều chúng ta chưa thấy”. (Spe salvi, 7).
Thật sự, đức tin tạo cho cuộc sống một cơ sở mới, một nền tảng mới mà con người có thể dựa vào. Nền tảng mới này làm cho cơ sở thông thường như lợi nhuận hay tài sản vật chất trở nên tương đối hóa. Và cũng từ đó, một tự do mới được phát sinh, biểu lộ bằng những hành động từ bỏ lớn lao vì tình yêu Đức Kitô, đến độ dám hy sinh chính bản thân mình để đem lại sự nâng đỡ, ánh sáng và niềm vui cho những ai đang sống trong tối tăm, sầu khổ. Đã có biết bao tấm gương như thế của các Kitô hữu trong mọi thời đại, chứng tỏ đức tin đã làm nên đời sống mới của họ, và là “bằng chứng” cho những gì sẽ đến. Lời hứa của Đức Kitô cũng thế, không chỉ là một thực tại được mong đợi, nhưng là một hiện diện thực sự: Ngài mới thực sự là “triết gia” đúng nghĩa và là “mục tử” nhân lành, Đấng chỉ cho chúng ta biết thế nào là sự sống đích thực và nơi đâu có sự sống ấy. Sự sống ấy cũng chính là Đức Kitô, trong Ngài, Thiên Chúa đã biểu lộ chính mình (x. Spe salvi, số 8).
       Đối với Kitô giáo, đức tin mang một tính chất lịch sử đặc biệt, vì Lời của Thiên Chúa đã thực sự trở thành Ngôi Lời, sống giữa nhân loại (x. Ga 1, 9-10). Vì thế, tin có nghĩa là tin ở, tin vào Đức Kitô. “Những ai đón nhận và tin vào danh Ngài, thì Ngài cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (Ga, 1, 12), nghĩa là ngay từ đời này người tín hữu đã được tham dự vào nguồn sống vô biên của Thiên Chúa, nhờ Đức Kitô. (x. Ga 3, 16.36). Do đó mà thánh Phaolô đã xác quyết một cách mạnh mẽ: “Tôi biết tôi tin vào ai”(2Tm 1, 12). Đó là một đức tin hoàn toàn sáng suốt và chắc chắn đối với chính mình. Hơn nữa, trong Đức Kitô, những kẻ tin Ngài “được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời” (Mt 13, 11). Thực sự họ “đã trở nên phong phú về mọi phương diện, phong phú vì được nghe Lời Chúa và hiểu biết mầu nhiệm của Ngài” (1Cr 1, 5). Đó mới là sự hiểu biết vượt trên mọi hiểu biết, đưa con người đến ơn cứu độ muôn đời.
       Tin không phải chỉ là liên kết với chân lý mà còn là một cách thế sống và là một hành trình tiến về chân lý. Tin như thế luôn bao hàm một dấn thân trọn vẹn, một nỗ lực vươn lên không ngừng, để tin làm sao thì sống làm vậy. Tuy nhiên, ân sủng của Thiên Chúa mới là yếu tố quyết định, là bản chất của đức tin. Đó là công trình của Thiên Chúa nơi đời sống của một con người, là một sự công chính hóa do lòng thương xót Chúa, chứ không phải do con người muốn làm nên dựa vào tài đức hay sự tốt lành của mình.
3. Giá trị của lý trí
     Trong Thông điệp “Về niềm hy vọng Kitô giáo” (Spe salvi) số 23, Đức Benêđictô đã nói thật hay về bản chất, giá trị và vai trò của lý trí như sau:
Quả thật, lý trí là hồng ân cao quí Thiên Chúa ban cho con người, và sự chiến thắng của lý trí trên sự phi lý cũng là một mục tiêu của đức tin Kitô Giáo. Nhưng khi nào thì lý trí thực sự làm chủ? Phải chăng khi lý trí được tách ra khỏi Thiên Chúa? Phải chăng khi nó trở nên mù lòa trước Thiên Chúa? Phải chăng lý trí của quyền lực và của hành động đã là toàn bộ lý trí? Nếu tiến bộ, để thực sự là tiến bộ, phải cần đến sự tăng trưởng luân lý của nhân loại, thì lý trí của quyền lực và hành động còn cần hòa nhập vào việc phân định thiện ác cách khẩn thiết hơn nữa, nhờ lý trí mở ra với những sức mạnh cứu độ của đức tin. Chỉ có như thế lý trí mới trở nên thực sự nhân bản, và có khả năng chỉ đường cho ý chí, và lý trí chỉ làm được điều này khi nó biết vượt lên chính mình. Ngược lại, khi mất quân bình giữa khả năng vật chất và sự thiếu phán đoán của con tim, thì tình trạng đó sẽ trở nên một đe dọa cho con người và toàn thể tạo thành… 
Không còn nghi ngờ chút nào rằng Thiên Chúa thực sự bước vào cuộc sống của con người, không chỉ đơn thuần vì chúng ta tưởng nghĩ đến Ngài, nhưng chính Ngài đích thân đến gặp gỡ và ngỏ lời với chúng ta. Chính vì thế mà lý trí cần đến đức tin để hoàn toàn là chính mình: lý trí và đức tin cần đến nhau để hoàn thành bản chất và sứ mạng đích thực của mình”. 
4. Sự liên kết chặt chẽ giữa đức tin và lý trí
       Giữa niềm tin và lý trí, giữa huyền nhiệm và khoa học đành rằng có những khác biệt, là hai lãnh vực khác nhau, nhưng không vì thế mà đối nghịch nhau. Cả hai đều lớn lên với nhau và tồn tại trong nhau nơi đời sống của một con người. Chúng bổ túc và phong phú hóa cho nhau để giúp con người hình thành quan niệm đúng đắn và quân bình về cuộc sống, đồng thời làm triển nở sâu rộng mọi chiều kích nhân-linh.
       Trước tiên chúng ta cần xác định rằng: “Không hề có sự xung đột giữa một nhà khoa học thực thụ với một người đặt niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng chăm sóc tới từng cá nhân chúng ta”. Đó là lập trường của Tiến sĩ Francis Collins, Giám đốc Dự án Giải mã Gen người, là một trong những nhà khoa học hàng đầu thế giới. Trong bài viễn văn công bố bản đồ Gen chứa toàn bộ các ADN, Tổng thống Bill Clinton đã vui mừng tuyên bố: “Ngày hôm nay, chúng ta được hiểu về loại ngôn ngữ mà Chúa đã sử dụng để sáng tạo nên sự sống. Hơn bao giờ hết, chúng ta nghiêng mình trước sự phức tạp, trước vẻ đẹp và sự kỳ diệu của món quà thần thánh nhất, thiêng liêng nhất của Ngài”.
   Lạ thay, một chính khách hàng đầu trên thế giới mà lại đề cập đến vẻ huyền nhiệm thiêng liêng trong một công trình  khoa học như thế. Nhưng lạ hơn nữa là phản ứng của Tiến sĩ Collins khi phát biểu: “Riêng với tôi, thật tuyệt vời và đáng kinh ngạc khi biết rằng lần đầu tiên chúng ta đọc được cuốn sách chỉ dẫn về chính bản thân mình, cuốn sách mà trước đó duy chỉ có Chúa mới biết đến”.Collins còn cho biết: “Với tôi, trải nghiệm của việc sắp xếp trình tự Gen người và khám phá ra bí mật đáng lưu tâm nhất trong tất cả này, vừa là một thành tựu đáng kinh ngạc của khoa học, vừa là dịp thể hiện tình yêu với Chúa”. Ông còn xác tín mạnh mẽ: “Tin vào Chúa là một sự lựa chọn hoàn toàn lý trí, và rằng, trong thực tế, các nguyên lý của đức tin lại bổ sung cho các nguyên lý của khoa học”[1].
Vấn đề nêu trên quan trọng đến nỗi có cả một Thông Điệp về Đức Tin và Lý Trí (Fides et ratio), của Đức Gioan Phaolô II. Ngài mở đầu Thông điệp như sau: “Đức tin và Lý trí được ví như đôi cánh giúp tâm trí con người vươn cao lên trong sự chiêm nghiệm chân lý. Chính Thiên Chúa đã in đặt nơi tâm khảm con người ước vọng tìm biết chân lý để cuối cùng con người được nhận biết Thiên Chúa, ngõ hầu nhờ nhận biết và yêu mến Người, con người sẽ đạt thấu được sự thật về mình cách đầy đủ”.
Thánh Augustinô tuyên bố đức tin soi sáng tâm trí và giúp cho lý trí nắm bắt được những chân lý nền tảng về toàn bộ thực tại: “Tôi tin để hiểu và tôi hiểu để tin”[2]. Nói cách khác, “đức tin luôn đòi hỏi kiếm tìm hiểu biết những gì đã tin”[3]. Chính ân sủng đức tin mở“mắt tâm hồn” (Ep 1, 18). Theo Augustinô, đức tin không ngược lại lý trí, nhưng có trước lý trí và vượt trên lý trí. Đức tin kích hoạt trí tuệ tiếp tục đi sâu vào mầu nhiệm: “Tôi sẽ không tin nếu tôi không nhận thấy rằng tôi phải tin”.
Tương tự, thánh Tôma Aquinô cũng chủ trương rằng: “Tin là hành vi của trí tuệ gắn bó với chân lý của Thiên Chúa, dưới sự điều động của ý chí được ân sủng của Thiên Chúa lay động”[4]. Tự lý trí bẩm sinh đòi hỏi sự hướng đạo và hỗ trợ của đức tin tôn giáo để đạt được chân lý một cách trọn vẹn. Trong lúc tin, trí tuệ rõ ràng đã đồng ý bằng hành động của ý chí. Tin là “suy tư với sự đồng ý.”Trong tri thức khoa học, trí tuệ cũng đồng ý với những tuyên bố xác định. Nhưng trong đức tin, sự quyết định đồng ý đến từ ý chí. Do đó, đức tin đích thực không bao giờ chỉ là một tri thức suông, vì người ta có thể biết mà không tin. Thật vậy, “Không bao giờ có ai tin theo Đạo chỉ vì lý luận hay chứng cứ, cho dù chúng hợp lý đến đâu chăng nữa” (Gabriel Marcel).
Nhưng rồi không thể tin nếu không cảm nghiệm hay chẳng có một dấu hiệu khả tín nào. Thánh Tôma cho rằng lý trí có thể đạt tới những chân lý cơ bản nào đó về sự hiện hữu và bản tính của Thiên Chúa, nhưng đức tin thì làm cho việc nắm bắt những chân lý này trở nên vừa chắc chắn vừa khả hữu hơn. Hơn nữa thánh Tôma còn nghĩ rằng, để hiểu biết đầy đủ về Thiên Chúa và con đường đi tới sự cứu rỗi sau cùng của loài người thì cần phải có đức tin trong trạng thái mặc khải thiêng liêng. Một đức tin như thế, là quà tặng từ ân sủng của Chúa. Điều đó giải thích vì sao đức tin, cùng với hy vọng và lòng bác ái, được coi là một đức hạnh siêu nhiên hoặc thuộc về thần học.
Như vậy: "Nếu con người với trí thông minh không nhận ra Thiên Chúa là Ðấng Sáng Tạo mọi sự, không phải vì họ thiếu phương tiện tìm hiểu, nhưng vì ý muốn tự do và tình trạng u tối  do tội lỗi của họ cản đường" (Fides et ratio, 19).
5. Hai nguồn nhận thức nơi con người
Tựu chung, chúng ta có hai cách để biết: đức tin và lý trí. Ðức tin là biết qua sự tin tưởng. Lý trí là biết qua suy nghĩ, quan sát,  thực nghiệm hay kinh nghiệm cá nhân. Sự hiểu biết nhờ lý trí mà thôi thì quá giới hạn. Cả hai cần phải cùng nhau phát triển. Các khoa học gia phải lệ thuộc vào niềm tin tự nhiên. Họ phải tin tưởng nhau. Mỗi khoa học gia không có thì giờ và tài nguyên để tự mình kiểm chứng tất cả mọi thí nghiệm và đo lường. Họ phải tin vào những bài viết về khoa học. Vậy niềm tin là kiến thức được nuôi dưỡng bằng sự liên hệ cá nhân, và chúng ta cần có niềm tin. Trong khoa học niềm tin này được nuôi dưỡng bằng “cộng đồng khoa học”. Niềm tin này không phải là một “bước mù quáng” nhưng được hỗ trợ bằng lý trí. Những bài viết trên các sách báo khoa học được duyệt xét cẩn thận bởi các khoa học gia khác. Nếu một khoa học gia nào có bằng chứng là thiếu lương thiện, thì niềm tin này bị tan vỡ, và công việc của người đó bị mất tín nhiệm.
Đức tin cũng thúc đẩy chúng ta theo đuổi lý trí: "Chính đức tin sẽ thúc giục lý trí vượt thoát tình trạng cô lập và tù túng để thong dong theo đuổi những gì là chân, thiện, mỹ. Ðức tin đúng là trạng sư đại tài, và là nhà biện hộ giúp cho lý trí thắng cuộc" (Fides et ratio, 56). Không có điều căn bản là niềm tin, chẳng ai muốn bỏ giờ ra nghiên cứu vũ trụ và những điều cơ bản của vật chất. "Cũng chính một Thiên Chúa duy nhất, Ðấng thiết lập và đảm bảo tính khả tri cũng như tính hữu lý vẫn tàng chứa trong các sự vật thuộc trật tự tự nhiên, dựa vào đó mà các nhà khoa học có thể yên tâm truy cứu các nghĩa lý” (Feides et ratio, 34).
Chú thích số 29 của Thông điệp cho biết: "Thánh Kinh và thế giới tự nhiên đều tiến hành cách bình đẳng từ Lời Thiên Chúa, Thánh Kinh được Chúa Thánh Thần viết, thế giới tự nhiên thừa hành cách trung tín lề luật của Thiên Chúa". Thiên Chúa đó chính là Cha Đức Giêsu Kitô. Và như thánh Phaolô đã xác quyết: “Sự thật ở nơi Đức Giêsu” (x. Ep 4, 21): Ngài là Lời hằng hữuLời tạo thành mọi vật, cũng là Lời nhập thể, Đấng mặc khải Chúa Cha trong trọn cả ngôi vị của mình (x. Ga 1, 14. 18), là Đấng mà lý trí con người vẫn tìm kiếm nhưng không biết (x. Cv 17, 23).
"Mặc dầu đức tin, một món quà Thiên Chúa ban, không đặt nền tảng trên lý trí, nhưng chắc chắn không thể không cần đến lý trí. Trái lại cũng phải thấy rõ rằng, lý trí cần phải được đức tin củng cố năng lực cho thì mới có thể khám phá ra những chân trời xa rộng mà tự sức riêng nó không sao đạt thấu được." (Fides et ratio, 67). Lý trí có thể mở trí khôn cụ thể của chúng ta ra để rồi ý chí chúng ta dễ đón nhận ân sủng của đức tin siêu nhiên. Lý trí cũng giúp đức tin không sa vào mê tín dị đoan, và có thể phê phán đức tin của chúng ta: "Thật là hão huyền khi nghĩ rằng đức tin đi đôi với một lý trí yếu ớt, mà lại có thể trở nên thâm hậu hơn; ngược lại là đàng khác, đức tin ấy sẽ tàn rụi dần để chỉ còn là hoang tưởng hoặc mê tín mà thôi”. (Fides et ratio, 48).
Một lạc giáo liên quan đến đức tin là thuyết "Duy Tín", cho rằng đức tin siêu nhiên thì quá trổi vượt trên lý lẽ tự nhiên đến nỗi lý trí không có ích gì cho đức tin. Tiếc thay Thuyết Duy Tín làm cho đức tin trở nên một sự tin tưởng mù quáng. Thánh Phêrô cho thấy lý trí có thể giúp chúng ta giải thích đức tin một cách hay hơn cho những người không có cùng một niềm tin như chúng ta: "Anh em hãy luôn sẵn sàng giải thích cho bất cứ ai hỏi anh em về lý do của niềm hy vọng của anh em, nhưng hãy làm điều đó với sự khoan dung và kính cẩn" (1 Pr 3:15-16). Cũng thế, đức tin siêu nhiên có thể cung cấp cho lý trí một sức sinh động và mới mẻ (x. Fides et ratio, 48). Ðức tin có thể giải thoát lý trí khỏi sự lệ thuộc hoàn toàn vào cảm quan. Như trong khoa học, đức tin có thể thúc đẩy chúng ta theo đuổi các lý lẽ xa hơn nữa để thu lượm được nhiều kiến thức.
Tóm lại: "Giáo hội vẫn luôn thâm tín rằng đức tin và lý trí hỗ trợ lẫn cho nhau; chúng ảnh hưởng lẫn nhau khi trao đổi những phê phán làm cho nhau thêm tinh tuyền, và khuyến khích nhau trong việc theo đuổi tìm kiếm để hiểu biết sâu xa hơn” (Fides et ratio, 100).
6. Tương quan giữa triết học và thần học
Sự quan hệ giữa đức tin và lý trí cũng là sự quan hệ giữa triết học và thần học. Triết học là một khối kiến thức được xắp xếp có thứ tự để giải thích một điều gì. Tương tự như lý trí, nó bắt đầu từ cảm quan. Còn thần học cũng là một khối kiến thức nhằm mục đích giải thích một điều gì, nhưng nó bắt đầu từ Lời Chúa mặc khải. Nó liên quan đến cả đức tin lẫn lý trí. Vì hai môn học đó bắt nguồn từ hai khởi điểm khác nhau, nên chúng cũng khác nhau. Nhưng chúng ta có thể dùng cả hai để hiểu thêm về Thiên Chúa. Dựa vào thế giới tự nhiên dễ hiểu, triết học có thể dùng lý luận để chứng minh rằng có Thiên Chúa như là một Nguyên Lý Tuyệt Ðối. Nhưng triết học không thể biết gì về mầu nhiệm Thiên Chúa. Chỉ nhờ mặc khải và thần học mà chúng ta mới hiểu biết hơn về Thiên Chúa là Chúa Ba Ngôi. Cuối Thông điệp Fides et ratio, Đức Gioan Phaolô II đã vạch ra một số dòng tư tưởng triết học hiện đại mà trên căn bản có tính cách sai lạc:
Trước hết là “Thuyết Chiết Trung”: một phương thức vay mượn tư tưởng từ nhiều triết lý khác nhau, cố dung hòa một cách máy móc các quan điểm khác hẳn nhau, mà không quan tâm đến sự thích hợp hay mạch lạc nội tại của chúng. Nó là “một mớ tư tưởng hỗn tạp”.
Thứ nhì, “Thuyết Duy Sử” cho rằng không có chân lý nào vượt thời gian cả. Một điều đúng ở giai đoạn lịch sử này có thể sai ở giai đoạn lịch sử khác. Đó cũng là não trạng duy tương đối, một thứ độc tài về cảm thức luân lý. Cuối cùng sự hiện hữu của Thiên Chúa cũng chỉ là tương đối: có thể có, có thể không, tùy vào sự đoán định chủ quan của cá nhân hay tập thể trong một bối cảnh hay giai đoạn nào đó thôi.
Thứ ba là thuyết “Duy Khoa Học”, tương tự như thuyết Duy Lý và thuyết Duy Nghiệm. Những chủ trương này coi khoa học, lý trí và thực nghiệm như nền tảng để quyết đoán mọi sự trong cuộc sống. Hai trận thế chiến là kết quả hiển nhiên bởi sự thống trị của lý trí duy khoa học thực nghiệm, là một thứ lý trí không có tiêu chuẩn đạo đức hay tôn giáo, cắt xén phần tâm linh, nên đã làm cuộc sống con người trở nên què quặt, bạc nhược, càng ngày càng hỗn loạn và đau thương, vì cảm thấy chính mình cũng trở thành một công cụ sản xuất.  Đó là chưa nói tới vấn đề môi trường, vấn đề ADN, là những mặt tối của khoa học kỹ thuật. Khi bài xích tôn giáo và nói riêng Kitô giáo, người ta đã tôn vinh Khoa học kỹ thuật như một thứ tôn giáo mới, từ đó phát sinh hiện tượng vô thần dưới nhiều hình thức.
Thứ tư là “Thuyết Duy Thực”, rất phổ thông ở Anh Quốc và Hoa Kỳ, chỉ dựa trên kết quả và sự thực dụng. Tất cả những cân nhắc có tính cách lý thuyết đều bị bác bỏ. Bất cứ hành động nào đem lại kết quả mong muốn đều là hành động tốt. Đây là một quan niệm chỉ nhằm vào thế giới này, không muốn biết tới gì khác, vì cho rằng con người chỉ nhận thức và lý giải được thế giới trước mắt, còn tự tính của nó thế nào thì con người không thể vươn tới.
Sau hết tất cả những triết thuyết trên đưa đến “Thuyết Hư Vô”. Ðó là việc chối bỏ nhân phẩm và số phận đời đời của con người. Hư vô là một kết luận hợp lý cuối cùng và chân thật rằng không có Thiên Chúa chúng ta không là gì cả. Ðó là sự tuyệt vọng của thuyết vô thần. Những triết thuyết này có khuynh hướng chối từ sự cần thiết Thiên Chúa và tuyên xưng một sự tự lập giả tạo. Đức Gioan Phaolo II đã khẳng định: “Vì thế giới được tạo dựng không thể tự đủ cho mình, mọi ảo ảnh về tự lập trong đó chối từ sự lệ thuộc cần thiết vào Thiên Chúa của mọi tạo vật - kể cả loài người - đều đưa đến những hoàn cảnh bi đát làm tan vỡ việc tìm kiếm hợp lý sự hòa hợp và ý nghĩa của đời sống con người” (Fides et ratio, 80).
Kết luận
Tóm lại, tin không phải là biết, dù nó cần đến sự hiểu biết trong đức tin. Đức tin không thuộc lãnh vực tri thức khoa học, nhưng tin cũng bao hàm một cách thế nhận thức ở bình diện khác, vì “sự chắc chắn do ánh sáng của Thiên Chúa ban thì lớn lao hơn sự chắc chắn do ánh sáng tự nhiên của lý trí”[5].
Tin là đáp lại một tiếng gọi để vươn xa hơn, cao hơn chính bản thân; là bước đi rộng hơn lãnh vực khả giác, khả tri và khả nghiệm.
Tin là một thái độ của con người toàn diện quyết định vượt xa hơn mọi thực tại hữu hình, mọi lý luận phàm trần, để dấn thân trọn vẹn cho một lẽ sống mới, trong tương quan huyền nhiệm với Đấng Tuyệt Đối.
Lý trí và đức tin đều nằm trong tiến trình vươn lên của đời sống làm người về mọi phương diện, một đời sống rất thực tế nhưng cũng rất huyền nhiệm, bởi vì con người được dựng nên cho chính Chúa. Trong chiều sâu của đời sống nhân-linh, không chỉ có cái biết của lý trí, nhưng còn là cái biết của con tim, cái biết của một tình yêu khao khát tìm về với Đấng Toàn Chân, Toàn Thiện, Toàn Mỹ. Đó mới là khát vọng thâm sâu của mỗi người, mà mọi hiểu biết trong cuộc sống này cuối cùng phải dừng lại, để nhường bước cho đức tin mở ra một dự phóng siêu vượt. Lý trí có thể đưa chúng ta đến bên bờ của đức tin, rồi để mặc chúng ta ở đấy. Không phải lý trí bỏ rơi chúng ta nhưng lý trí không thể giúp chúng ta vượt qua được mép bờ huyền nhiệm của đức tin. Ðứng trên mép bờ huyền nhiệm ấy, tác động thích hợp duy nhất là tâm tình yêu mến và phó thác.
Với tâm tình phó thác và yêu mến, đức tin cho ta thấy những điều mà người khác không thấy, hiểu những điều mà người khác không hiểu, biết những điều mà người khác không biết, kinh nghiệm những điều mà người khác không hề kinh nghiệm, cảm nếm những điều mà người khác không hề cảm nếm, làm những điều mà người khác không thể làm, sống những điều mà người khác không thể sống. Vì đức tin là huyền nhiệm của ân sủng, là tác động và sự sống của Chúa trong tâm hồn những kẻ tin.
Lạy Chúa, mọi sự bởi Chúa mà ra, mọi loài do Chúa mà có, mọi việc nhờ Chúa mà thành.
Tất cả cuộc sống con đều là ân ban của Chúa. Nhưng rồi nhiều khi con phát triển cuộc sống như thể chỉ dựa vào chính mình.
Con quên rằng chính Chúa không ngừng tiếp tục sáng tạo và làm nên cuộc sống con trong từng giây phút.
Với lý trí, con hay sống đức tin chỉ bằng sự hiểu biết của mình, nhưng đã không hiểu biết như mình phải hiểu biết. Con vẫn tin, nhưng đã không tin như mình phải tin. Hóa ra hiểu biết con vẫn còn non dại và đức tin con vẫn còn non kém.
Con muốn khẳng định về cuộc sống mình như thánh Phaolô: “Tôi không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô”. Đó là sự hiểu biết trong đức tin, với hết lòng yêu mến và phó thác.
Xin Chúa nâng đỡ và gia tăng đức tin cho con, để con có thể thấy Chúa mọi nơi, nhận ra Chúa trong mọi người, sống với Chúa trong mọi lúc, đón nhận Chúa trong mọi sự. Để trong Chúa con được no thỏa sự sống muôn đời. Amen.
Lm. Thái Nguyên


[1] Francis Collins, Ngôn ngữ của Chúa. Những bằng chứng khoa học về đức tin, NXB Lao Động, Hà Nội, 2007, tr. 12-17.
[2] Auugustinô, Serm. 43, 7, 9.
[3] Anselmô, Prologion 1.
[4] Tôma Aquinô, Tổng luận thần học, II-II. q.2,a.2.
[5] Tôma Aquinô, Tổng luận thần học, II-II, q.171, a.5, ad 3.

Thứ Sáu, 11 tháng 5, 2012

HÃY CƯỜI TƯƠI VÀO MỖI BUỔI SÁNG


Cuộc sống có bao nhiêu điều để bạn quan tâm, lo lắng. Đôi khi còn tạo ra nhiều stress khiến bạn cảm thấy bất an buồn bực trong lòng. Hôm nay www.hocvienlamgiau.com sẽ chia sẻ với các bạn vài điều mà bản thân chúng tôi đã nhận ra trong cuộc sống của mình!

Hãy cười tươi vào mỗi buổi sáng!

Trước đây (bây giờ thỉnh thoảng cũng có) mỗi khi thức dậy tôi cảm thấy lo lắng bất an trong lòng, à và rồi thì mọi thứ dường như thuận theo cái điều bất an đó, tâm tư u ám, chân tay cảm thấy mệt mỏi, bộ mặt thì ủ rũ, tôi có cảm tưởng ngày hôm đó chẳng nên có thì hơn! cứ như là tôi đang bị ép phải sống cuộc sống của mình!

          Đó là về bản thân tôi. Bây giờ mỗi sáng sớm tôi thường tiếp xúc với một số người và nhìn thấy ở họ con người của mình xưa kia. Ví dụ: mấy cậu nhân viên sáng sớm tới công ty mặt sầm xì nói chuyện thì cứ cáu gắt như bị đói cơm, ông anh hàng xóm thì có cái giọng trong điện thoại cứ như đang bị gai đâm vào đâu đó. :))

            Bạn biết không? nếu bạn đang cố làm điều gì đó tốt đẹp, đang muốn hướng tới một cuộc sống mới, đặc biệt đang làm giàu nếu mà sáng nào bạn cũng gặp những người như thế hoặc bản thân bị như thế. Tôi cam đoan nếu không thay đổi, bạn sẽ chẳng làm nên trò trống gì.

           Vì sao lại nói vậy?

          Lý giải đơn giản của là thế này:

         + Buổi sáng là lúc bạn thức giấc, sau một đêm cơ thể đang nghỉ ngơi và bình phục sau một ngày làm việc (ngày hôm trước), khi ấy não dường như cũng đang ổn định và ở trong trạng thái chờ lệnh.

         + Nếu sáng sớm ngủ dậy bạn nghĩ rằng: Cám ơn đời mỗi sớm hôm thức dậy, ta có thêm một ngày nữa để yêu thương hoặc ôi hôm nay thật tuyệt vời và cười tươi như hoa, gặp mọi người bạn cười với người ta và người ta cũng cười khi ấy bộ não sẽ hiểu rằng bạn đang suy nghĩ tích cực, bạn cần có một tư tưởng một sức khỏe, và một đầu óc minh mẫn, nó điều khiển cho các bộ phận khác truyền cho bạn một ít hoóc-môn nhằm duy trì trạng thái tích cực đó, và giúp bạn hoàn thành một công việc đã định.
           + Còn nếu môi trường của bạn u ám tới nỗi sáng ra bạn không muốn làm gì, bạn suy nghĩ lo sợ không biết sẽ làm việc ấy như thế nào? gặp ai bạn cũng ủ rũ buồn phiền, gặp người thân quen thì sẵn sàng cáu gắt (loại người này chiếm đa số trong xã hội) thì quả thật cả ngày hôm đó bạn cảm thấy uể oái chán nản vô cùng. Nó cũng là do não bộ đã chỉ định một liều hoóc-môn làm ức chế hệ thần kinh khiến cho bạn có một ngày tệ hại, tệ hại từ trong bản thân bạn!
           Vì vậy, hãy nghe lời khuyên của tôi. Bạn muốn thay đổi, để có cuộc sống giàu sang, vinh quang và hạnh phúc. Vì vậy hãy loại bỏ những thói quen xấu.
           Đừng bao giờ trách mắng, chửi bới hay nghĩ xấu về ai vào buổi sáng, khó khăn ư, bạn kệ nó, vì bạn có nghĩ, có đau đầu thì nó vẫn ở đó, trước sau gì thì cũng bị xử lý mà thôi. Hãy nở nụ cười tươi vào mỗi buổi sáng, khi gặp ai đó. Hãy ân cần với bạn bè, người thân, đồng nghiệp, nhân viên!

Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2012


Giữa đức tin và khoa học không có sự chống đối nhưng có tình bạn


Giữa đức tin và khoa học không có sự chống đối nhưng có tình bạn. Trong khi sống ơn gọi nghiên cứu thiên nhiên các khoa học gia có thể bước đi trên con đường nên thánh.
Đức Thánh Cha đã khẳng định như trên trong buổi tiếp hơn 30.000 tín hữu tại quảng trường thánh Phêrô sáng thứ tư 24-3-2010.
Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã giới thiệu gương mặt của một trong các bậc thầy lớn nhất của nền thần học thời Trung Cổ là thánh Alberto Cả. Thánh nhân không chỉ là một nhà uyên bác nghiên cứu nhiều lãnh vực khác nhau, mà còn là một vị thánh lớn của Giáo Hội. Đức Thánh Cha nói về tiểu sử của người như sau:
Chào đời bên Đức vào đầu thế kỷ XIII, khi còn rất trẻ người đã sang Italia theo học tại Padova, là trụ sở của một trong các đại học nổi tiếng thời Trung Cổ. Người học các môn gọi là ”nghệ thuật tự do”: văn phạm, hùng biện, biện chứng, toán học, hình học, thiên văn và âm nhac, nghĩa là các khoa của nền văn hóa tổng quát, và cho thấy mình chú ý tới các khoa học thiên nhiên, sẽ mau chóng trở thành lãnh vực chuyên môn ưa thích của người.
Trong thời gian theo học tại Padova Alberto lui tới nhà thờ của các tu sĩ Dòng Đa Minh và sau đó xin gia nhập Dòng. Tương quan sâu xa với Thiên Chúa, gương sống thánh thiện của các tu sĩ Đaminh và các bài giảng của Chân phước Giordano thành Sassonia, người kế vị thánh Đaminh trong nhiệm vụ hướng dẫn Dòng các Anh Em Giảng Thuyết, đã giúp Alberto chiến thắng mọi nghi nan và các phản đối của gia đình. Thường khi trong những năm của tuỗi trẻ Thiên Chúa nói với chúng ta và chỉ cho chúng ta thấy chương trình của cuộc sống. Cũng giống như thánh Alberto, lời cầu nguyện cá nhân được dưỡng nuôi bằng Lời Chúa, việc lãnh nhận các Bí Tích và sự hướng dẫn của các người được soi sáng, là các phương thế giúp chúng ta khám phá ra và đi theo tiếng Chúa gọi.
Sau khi thụ phong linh mục các Bề trên giao cho Alberto nhiệm vụ dậy tại các trung tâm đào tạo khác nhau của dòng. Các khả năng trí thức sáng ngời cho phép người kiện toàn việc học thần học tại đại học danh tiếng nhất thời đó là đại học Paris. Từ đó thánh nhân bắt đầu sinh hoạt sáng tác, sẽ kéo dài trong suốt cuộc đời người.
Alberto được giao cho nhiều trọng trách. Năm 1248 người có nhiệm vụ mở một trung tâm thần học tại Koeln là một trong các thành phố quan trọng nhất của Đức. Từ Paris thánh nhân đem theo về Koeln môn sinh đặc biệt là Toma thành Aquino, và giữa hai nhà thần học lớn này nảy sinh ra một tương quan qúy trọng và tình bạn thắm thiết, là các thái độ giúp khoa học phát triển rất nhiều. Năm 1254 Alberto được bầu làm Bề Trên Tỉnh dòng Teutoniae, bao gồm miền Trung và miền Bắc Âu châu. Thánh nhân viếng thăm các cộng đoàn, nhắc nhở các tu sĩ trung thành với tinh thần Dòng, các giáo huấn và gương sống của thánh Đaminh.
Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói các đức tính của thánh Alberto khiến cho người được Đức Giáo Hoàng thời đó là Alessandro IV chú ý và mời về Agnani là nơi các Giáo Hoàng hay lui tới, về Roma và Viterbo để hỏi ý kiến về các vấn đề thần học. Chính Đức Alessandro IV chỉ định thánh Alberto làm Giám Mục Regensburg, một giáo phận lớn và nổi tiếng tại Đức, nhưng hồi đó đang trải qua nhiều khó khăn. Trong các năm 1260-1262 thánh Alberto không mệt mỏi thi hành chức vụ chủ chăn và đem lại an bình và hòa hợp cho thành phố này. Người tái tổ chức các giáo xứ và tu viện và đẩy mạnh các sinh hoạt bác ái.
Năm 1263-1264 Đức Giáo Hoàng Urbano IV chỉ định thánh Alberto rao giảng cho nước Đức và vùng Boemia, và sau đó thánh nhân trở về Koeln để tiếp tục việc dậy học, nghiên cứu và sáng tác. Là con người của cầu nguyện, khoa học và bác ái, thánh nhân có uy tín rất lớn khi phải can thiệp vào các chuyện của Giáo Hội và của xã hội thời đó. Người đã đặc biệt đem lại hòa bình và hòa giải tại Koeln nơi Đức Tổng Giám Mục xung khắc với các cơ cấu của thành phố; người đã xả thân trong Công Đồng Lyon do Đức Giáo Hoàng Gregorio X triệu tậu năm 1274 để hiệp nhất Giáo Hôi Latinh với Giáo Hội Hy Lạp sau vụ ly giáo Đông Phương năm 1054; người minh giải tư tưởng của thánh Toma Aquino bị phản đối và kết án bất công. Thánh Alberto qua đời trong tu viện Thánh Giá ở Koeln năm 1280 và mau chóng được các tu sĩ dòng sùng kính.
Năm 1622 Giáo Hội phong chân phước cho người và năm 1931 Đức Giáo Hoàng Pio XI nâng người lên hàng hiển thánh và tuyên bố người là Tiến Sĩ Giáo Hội.
Qủa thật người đáng được tước hiệu ấy không chỉ vì các chân lý đức tin, mà vì nền văn hóa sâu rộng của người nữa. Thánh nhân không chỉ nghiên cứu và viết sách triết học và thần học, mà cũng hiểu biết nhiều lãnh vực khác từ vật lý cho tới hóa học, từ thiên văn cho tới khoáng chất, từ bách thảo cho tới bách thú. Chính vì thế Đức Giáo Hoàng Pio XII đặt người làm quan thầy các khoa học gia thiên nhiên. Dĩ nhiên các phương pháp thánh nhân sử dụng không phải là các phương pháp sẽ được khai triển trong các thế kỷ tiếp theo, vì thánh nhân chỉ quan sát, miêu tả và xếp loại các hiện tượng nghiên cứu, nhưng người đã mở cửa cho các công việc tương lai. Đề cập tới giáo huấn của thánh nhân Đức Thánh Cha nói:
Người còn có nhiều điều để dậy dỗ chúng ta. Nhất là thánh Alberto chỉ cho thấy giữa đức tin và khoa học không có chống đối, mặc dù đã có một vài giai đoạn hiểu lầm trong lịch sử. Một con người của đức tin và lời cầu nguyện như thánh Alberto Cả, có thể an nhiên vun trồng việc nghiên cứu các khoa học thiên nhiên và tiến tới trong việc hiểu biết tiểu vũ trụ và đại vũ trụ, khám phá ra các luật lệ riêng của vật chất, vì tất cả mọi điều này đều quy về việc dưỡng nuôi khát khao và tình yêu của Thiên Chúa. Kinh Thánh nói về thụ tạo như ngôn ngữ đầu tiên, qua đó Thiên Chúa là sự thông minh tối cao, là Lời vén mở cho chúng ta điều gì đó về Ngài. Sách Khôn Ngoan khẳng định rằng các hiện tượng thiên nhiên cao cả và xinh đẹp là các công trình của một nghệ sĩ, qua đó chúng ta có thể biết được Tác Giả của thụ tạo (Kn 13,5). Thời Trung Cổ và Thời Phục Hưng so sánh thế giới với một cuốn sách do Thiên Chúa viết ra... Theo gót thánh Alberto Cả đã có biết bao khoa học gia được linh hứng bởi sự kinh ngạc và biết ơn trước thế giới tiếp tục nghiên cứu và khám phá ra rằng nó là công trình tốt lành của một Đấng Tạo Hóa khôn ngoan và đáng yêu.
Thánh Alberto Cả nhắc cho chúng ta biết có tình bạn giữa khoa học và đức tin và các khoa học gia qua ơn gọi nghiên cứu thiên nhiên có thể chạy theo lộ trình đích thực và hấp dẫn của sự thánh thiện.
Thái độ rộng mở tâm trí của thánh Aberto Cả khiến cho người tiếp nhận tư tưởng của triết gia Aristotele sống vào thế kỷ thứ IV trước Chúa Kitô, đặc biệt trong lãnh vực luân lý đạo đức và siêu hình. Các tác phẩm của Aristotele chứng minh cho thấy sức mạnh của lý trí, giải thích ý nghĩa và cấu trúc thực tại với sự sáng suốt và rõ ràng, tính cách có thể hiểu được của nó, cũng như giá trị và mục đích của các hành động của con người. Thánh Alberto Cả đã mở cửa để tiếp nhận hoàn toàn triết lý của Aristotele vào trong triết học và thần học trung cổ. Việc tiếp nhận này sẽ được thánh Toma soạn thảo một cách vĩnh viễn. Một trong những công lao lớn của thánh Alberto đó là nghiên cứu các tác phẩm của Aristotele một cách sít sao có khoa học, vì người xác tín rằng tất cả những gì thực sự có lý thì phù hơp với đức tin được mạc khải trong Kinh Thánh. Nói cách khác thánh Alberto Cả đã góp phần vào việc thành lập một nền triết học độc lập, khác với thần học và hiệp nhất với thần học bởi sự hiệp nhất của chân lý. Như thế vào thế kỷ XIII đã phát sinh ra việc phân biệt giữa hai sự hiểu biết là triết học và thần học, nhưng chúng đối thoại với nhau và cộng tác với nhau một cách hài hòa trong việc khám phá ra ơn gọi đích thật của con người khát khao chân lý và hạnh phúc. Thánh Alberto định nghĩa thần học là ”khoa học yêu mến” chỉ cho con người ơn gọi hưởng niềm vui vĩnh cửu, một niềm vui vọt lên từ việc hoàn toàn gắn bó với chân lý.
Và Đức Thánh Cha đã kết luận bài huấn dụ như sau: Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho Giáo Hội đừng bao giờ thiếu các thần học gia thông thái, đạo đức và khôn ngoan như thánh Alberto Cả và xin Chúa cho mọi người biết noi gương thánh nhân luôn sống theo thánh ý Thiên Chúa để muốn và làm tất cả luôn luôn chỉ vì Vinh Quang Chúa mà thôi.
Đức Thánh Cha đã chào nhiều nhóm khác nhau trước khi cất Kinh Lậy Cha và phép lành tòa thánh cho mọi người. Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các cặp vợ chồng mới cưới Đức Thánh Cha cầu mong lễ trọng Truyền Tin mà Giáo Hội cử hành hôm nay là lời mời gọi mọi người noi gương Đức Maria Rất Thánh. Đối với người trẻ việc noi gương đó trở thành sự sẵn sàng đối với lới mời gọi của Thiên Chúa Cha trở thành men Tin Mừng trong xã hội; đối với người đau yếu nó là dịp thúc đẩy canh tân thái độ chấp nhận thánh ý Chúa trong sự thanh thản và lòng tín thác để biến đổi khổ đau thành phương thế cứu độ toàn nhân loại. Đức Thánh Cha cũng ước mong tiếng xin vâng của Mẹ Maria khơi dậy nơi các cặp vợ chồng mới cưới một dấn thân ngày càng quảng đại hơn trong việc xây dựng một gia đình trên tình yêu thương nhau và trên các giá trị kitô.
Nguồn: 
 vietvatican
Chữ Tâm
  05/02/2011 22:38:05 PM

Khi xuân về Tết đến, vào nhà một số người, ta bắt gặp họ treo một chữ TÂM viết bằng chữ Hán, mực tàu trên giấy hồng lồng vào khung son, viền vàng rất đẹp, treo nơi trang trọng nhất.


Chữ TÂM là chữ tượng hình (chữ Hán) giống hình quả tim của con người. Người thờ chưa TÂM họ muốn giữ tấm lòng mình hướng vào điều thiện, làm phúc, làm đức. Họ luôn tâm niệm một điều: Không để đồng tiền làm hoen ố danh dự và lương tâm. Tránh xa những điều tà đạo, gian manh, lừa lọc, xảo trá, nịnh bợ ton hót, luôn giữ cho lòng mình thanh thản, trong sáng, không làm điều xấu xa độc ác, sống độ lượng khoan dung, giàu lòng vị tha. Họ ghét cay, ghét đắng những kẻ có tâm địa xấu xa, hèn mọn. Căm thù những kẻ hà hiếp người yếu hơn mình, bòn rút của cải, tiền bạc của nhà nước và nhân dân, biển thủ tài sản quốc gia. 


Hiện nay số người thờ chứ TÂM treo trên tường, trên vách không còn phổ biến như trước, nhưng những người thờ chữ TÂM trong lòng thì nhiều lắm. Ngày ngày trên đài, báo, ti vi… đưa tin, đưa hình về những tấm lòng vàng. Có khi những người đó, có người cũng chẳng khá giả gì, nhưng họ lại nghĩ nhiều về tình người, tình đồng loại. Họ chia cơm, sẽ áo giúp đỡ những người nghèo khổ cùng cực, bão lũ thiên tai. Những bếp cơm từ thiện mọc lên khắp các bệnh viện từ Nam chí Bắc nhằm làm giảm đi một phần nào sự đau khổ, đói khát của người nghèo. Mục đích của họ không phải lấy tiếng tăm, khua chiêng gõ mõ, cờ giông trống thúc, lấy danh cho bản thân mình mà là góp một ít tiền bạc sức lực nhằm “cứu khổ, cứu nạn” cho mọi con người gặp bước khó khăn. Đó chính là chữ TÂM mà họ thờ trong lòng họ. Tình cảm của con người Việt Nam là vậy, khi chia bôi thì đòi hỏi lẽ công bằng phải từng li, từng tí. Nhưng khi hoạn nạn giúp nhau thì không kể ít hoặc nhiều. Những người thờ chữ TÂM dù là trong tâm hay trong nhà, họ sống rất khiêm tốn, giản dị “trọng nghĩa, khinh tài”, họ đồng tình với lời thỉnh cầu của chú cò con: “Có xáo thì xáo nước trong/ Đừng xáo nước đục đau lòng cò con”.


Những người biết trân trọng chữ TÂM đối với họ, dù nghèo khó đến mấy, cuộc đời có xô đẩy họ đến đâu đi chăng nữa, họ luôn giữ cái TÂM trong sạch: “Ngọc nát còn hơn giữ ngói lành”. Họ luôn dạy dỗ và hướng cho con, cháu sống nên làm việc thiện, tránh xa tà tâm, không làm điều bạc ác, phi đạo đức, để khỏi phải hổ thẹn với lương tâm. Họ thích câu của Nguyễn Du: “Chữ TÂM kia mới bằng ba chữ tài” .                        
                                                                                                                                     (ST)

Thứ Hai, 30 tháng 1, 2012


Đức tin và khoa học

E-mailPrint
Font Size Larger Font Smaller Font
ton_giaoPhải chăng khoa học đi ngược lại lịch sử sáng tạo của Kinh Thánh? Có nhiều người đã nghĩ như vậy và cho rằng khoa học và lịch sử sáng tạo của Kinh Thánh hoàn toàn không thể đi đôi với nhau được, vì một bên dựa trên những lý chứng rõ ràng minh bạch, còn bên kia lại dựa trên đức tin và mang tính chất truyền thuyết giả tưởng. Vì thế, họ cho rằng bao lâu lịch sử sáng tạo của Kinh Thánh còn được khẳng định thì không thể nói đến thuyết tiến hóa, vì có hai lý do đối kháng giữa Kinh Thánh và khoa học không thể vượt qua được.
Lý do thứ nhất: Trong khi theo Kinh Thánh thì trước hết Thiên Chúa đã dựng nên trái đất và tiếp đến mới dựng nên các tinh tú, khoa học tân tiến ngày nay về vũ trụ lại cho rằng trái đất là một trong số các hành tinh được hình thành về sau này, kết quả của một cuộc nổ tung vĩ đại (big Bang) trong vũ trụ trên dưới 14 tỷ năm về trước.
Lý do thứ hai: Trong khi theo Kinh Thánh thì trước khi dựng nên con người, Thiên Chúa đã dựng nên các thứ thú vật và những cây cỏ xanh tươi làm lương thực cho chúng, một hình ảnh đầy hiền hòa của vườn Địa đàng, thuyết tiến hóa lại chứng minh rằng trước khi có sự hiện hữu của con người trên trái đất thì đã có những dã thú ăn thịt rất hung dữ, chứ không chỉ gặm cỏ cách hiền hòa mà thôi.
Ngoài hai lý do đối kháng trên đây, còn một lý do khác nữa, đó là: Theo sự trình thuật của sách Sáng Thế Ký thì vũ trụ được dựng nên trước khi xảy ra sự sa ngã phạm tội của ông A-dong và bà E-và, nhưng theo ý kiến khoa vũ trụ học và thuyết tiến hóa thì sự sa ngã phạm tội của ông A-dong xảy ra trước khi có vũ trụ, tức vũ trụ chúng ta sống.
Thật ra, sự kiện con người bị trục xuất ra khỏi vườn Địa đàng không có nghĩa là Thiên Chúa đã dựng nên một vũ trụ thứ hai như nơi đày ải đầy khổ cực, thay thế cho vũ trụ thứ nhất đã bị hủy hoại do tội nguyên tổ gây ra, và trong vũ trụ thứ hai ấy con người phải sống cuộc sống đầy gian lao vất vả sau khi đã phạm tội và vị trục xuất khỏi vườn Điạ đàng. Nhưng sự thật là vườn Địa đàng bị khóa lại và thay vào đó là một thế giới đã trở nên hư hỏng do tội lỗi gây nên.
Thiên Chúa Tạo Hóa không dựng nên hai vũ trụ
Như vậy, theo Kinh Thánh, qua sự sa ngã phạm tội của ông A-dong các tương quan trong vũ trụ và trong lịch sử tạo dựng của cuộc sống trên trái đất đã hoàn toàn bị đão lộn và chính chúng là đối tượng nghiên cứu của khoa học như khoa vũ trụ và thuyết tiến hóa. Nói cách khác, chính do tội con người gây ra, trái đất đã bị nguyền rủa và đã bị thay đổi từ nền tảng: đất đai mất hết mầu mỡ và trở nên gai góc, khô cằn, và vì thế, con người phải đổ mồ hôi nước mắt mới kiếm được của ăn hằng ngày và sau cùng lại phải đón nhận cái chết như hậu quả tất yếu (x. St 3,17-19). Điều ấy muốn khẳng định rõ ràng là qua sự trình bày này về sự thay đổi của vũ trụ, Kinh Thánh chỉ muốn nói đến hậu quả trực tiếp của tội lỗi đã làm cho những điều kiện sống của con người trở nên vất vả khổ cực, chứ xét về toàn diện, các điều kiện sống đó không thể tách biệt con người ra khỏi vũ trụ, hay nói đúng hơn, Thiên Chúa đã không dựng nên một vũ trụ mới đầy khổ ải, đau thương và cằn cỗi để đày đọa và phạt tội con người. Nếu bây giờ những thay đổi của vũ trụ xét theo toàn thể đã trở thành đối tượng của thuyết tiến hóa, thì không có gì là đi ngược lại lịch sử sáng tạo của Kinh Thánh. Và cũng chính hậu quả của tội lỗi gây ra, nên không chỉ đất đai trở nên gai góc và khô cằn, khiến cho con người phải vất vả cực nhọc mới kiếm được của ăn nuôi thân, nhưng cả các loài vật cũng phải tranh dành, ăn thịt lẫn nhau mới mong tồn tại. Qua đó, người ta thấy rằng giữa lịch sử sáng tạo và thuyết tiến hóa không có gì mâu thuẫn nhau. Chỉ có khác nhau duy nhất ở chỗ: Theo Kinh Thánh thì tất cả mọi tạo vật là do công trình sáng tạo của Thiên Chúa, còn theo khoa học thì tất cả mọi sự là hậu quả của một sự phát triển tự nhiên.
Nói một cách tổng quát, tư tưởng nguyên thủy về cây gia phả được coi là „lý thuyết về chủng tộc“. Nhưng một câu hỏi lại được đặt ra là làm thế nào người ta có thể ghép chung các loài bò sát, các loại chim chóc, các loại cá, v.v… hoàn toàn khác nhau, cùng theo một cách thức phát sinh giống nhau? Vào năm 1866, Ernst Haeckel, nhà sinh vật học người Đức, đã bỏ ngoài mọi do dự và bất đồng ý kiến trong dư luận và đã cho công bố lý thuyết về cây gia phả (Stammbaum).
Ngày nay, lý thuyết về phổ hệ hay tộc hệ (Genealogie) của các loại động vật đã bị loại bỏ. Qua những cuộc khai quật người ta đã tìm thấy được những dấu tích thuộc cổ sinh vật học giúp khám phá ra rằng, các cơ thể sinh vật được phát sinh, nảy nở và chết đi. Chính trong quá trình ấy, cơ thể các sinh vật luôn luôn phát triển và hoàn thiện theo những cấp bậc cao hơn và tiến mãi cho tới khi thành con người. Trong đó, giữa những cơ thể sinh vật khác nhau có những tính chất tương đồng (Homologien) thuộc giải phẩu học, thuộc sinh lý và trong các sinh hoạt nhất định, khiến người ta có thể phân biệt được các nhóm sinh vật có liên hệ gần gũi hay xa biệt nhau.
Chính điều này đã làm nảy sinh ý kiến mới khác cho rằng trên mặt đất đã xảy ra một sự tiến hóa nội tại, tức mọi sinh vật tự phát triển, theo những định luật tự nhiên, và qua đó tư tưởng về một Đấng Tạo Hóa hoàn toàn không có chỗ đứng. Dĩ nhiên, người ta cũng đừng vội quên rằng đây mới chỉ là một ý kiến mang tính cách loại suy mà thôi. Vâng, ở đây nguyên nhân mới chỉ được cắt nghĩa theo hiệu quả mà thôi, trong khi một định luật chỉ có thể kiểm tra được một cách thực nghiệm, nếu qua những dẫn chứng của nguyên nhân, hiệu quả được dự đoán cũng thực sự được hiện thực.
Với tính cách là nguyên nhân, người ta phỏng đoán được sự ngẫu biến (Mutation) và đào thải (Selection). Nhưng người ta cần phải hiểu những quá trình diễn biến ấy như thế nào? Qua quá trình „ngẫu biến“ người ta hiểu là những thay đổi của những cái được gọi là phân tử di truyền (Gène), qua đó những hình thức sinh vật học mới được phát sinh, trong khi đó sự đào thải lại quyết định hướng đi từ những tế bào phôi thai tiến tới thành người. Nhưng bây giờ lại có một sự ngẫu biến không thể cắt nghĩa theo khoa học được, một sự ngẫu biến không phải là một định luật có thể định nghĩa được. Nói cách khác, có những thay đổi của phân tử di truyền dẫn tới những hình thức mới mẻ một cách theo kiểu vi trùng học, mà theo khoa học thì không thể giải thích được.
Còn bây giờ chúng ta thử tìm hiểu những điều có liên quan tới sự đào thải. Những diễn biến sự đào thải từng đã đưa tới sự nảy sinh tiến hóa lâu dài của những cơ thể sinh vật thì luôn luôn là một bí ẩn. Vâng, quả là một ẩn số khó tìm ra được một giải thích thỏa đáng trong các trường hợp tiến hóa lâu dài ấy, ví dụ: sự tiến hóa từ những loại bò sát biến thành những con chim hay từ những con cá bơi lội trong nước trở thành những con vật sống trên đất.
Giờ đây người ta đã tìm cách giải mã điều bí ẩn lớn nhất của sự tiến hóa bằng những phương tiện thuộc sinh vật học về phân tử hay thuộc tính trùng hợp hóa học. Vấn đề ở đây là vấn nạn về sự xuất phát của những chuỗi dài yếu tố di truyền DNA, tức những yếu tố cơ bản cấu tạo nên sự sống. Nhưng điều ấy đã rõ ràng nói lên rằng sự cấu tạo những chuỗi như thế nếu không có sự can thiệp của một ý muốn vốn đã hiện hữu trước hay nói cách khác, nếu không có một Đấng Tạo Hóa toàn năng và tự hữu, thì hoàn toàn là một điều bất khả, ví dụ như trong việc chế tạo ra những chất hóa học đa dạng xảy trong phòng thí nghiệm hay trong sự xản xuất kỹ nghệ.
Quan niệm chủ trương có thể giải thích được vũ trụ mất chỗ đứng
Tuy nhiên, sự phê bình này không chỉ nhằm vào lý thuyết về nguồn gốc xuất phát của sự sống, nhưng còn nhằm tới quan điểm khá phổ quát cho rằng sự tiến hóa lâu dài xảy ra qua sự ngẫu biến và qua sự đào thải. Nhưng như đã trình bày, sự tiến hóa lâu dài được dựa trên một sự ăn sâu của những phân tử di truyền vào những chuỗi DNA đang hiện hiện sẵn, chứ không dựa theo sự ngẫu biến. Vì vấn đề ở đây không phải là bất cứ những phân tử di truyền nào đó, nhưng là những phân tử di truyền mới và vượt lên trên những phân tử đang có. Dĩ nhiên, sự diễn biến như thế thì chắc chắn là rất khó lòng kiểm soát được.
Ở đây, chúng ta hãy nghe ý kiến của hai nhà hóa học nổi tiếng, Bruno Vollmert und Manfred Eigen. Tiến sĩ Vollmert viết: „Khi tôi càng nỗ lực suy luận một cách chính xác theo đúng các nguyên tắc khoa học, thì tôi càng trở nên xác tín hơn khi cho rằng vũ trụ đã được một Đấng Tạo Hóa toàn năng tạo dựng nên, chứ không phải như thuyết tiến hóa của Darwin chủ trương“ (x. „Das Molekül und das Leben“). Còn tiến sĩ Eigen đã kết luận: „Nếu ngày nay có ai khẳng định rằng vấn đề nguồn gốc sự sống trên hành tinh chúng ta đang ở đã được giải mã, thì người ấy đã quá lời so với sự hiểu biết của mình“ (x. trong „Die Entwicklung des Lebens“).
Để tóm luợc suy luận trên, có lẽ chúng ta thử đưa ra một ví dụ: Chẳng hạn cứ tạm cho rằng người ta tìm thấy trên mặt trăng một chiếc máy bay tối tân, và người ta cũng biết được chiếc máy bay đó đã được lắp ráp và cấu trúc như thế nào. Tuy nhiên, còn một bí ẩn chưa được giải mã, đó là sự lắp ráp thành chiếc máy bay đã thành công ra sao.
Một điều đáng ghi nhận ở đây là đại chúng biết được rất ít về tính cách khả nghi của thuyết tiến hóa cũng như sự đa dạng trong công cuộc khám phá cơ bản và quan trọng của nó. Nhưng cũng phải chấp nhận rằng hiện tượng ấy sẽ có thể thay đổi theo một mức độ mà kinh nghiệm về không gian đang thu hút một sự chú ý rộng rãi của đại chúng như chúng ta từng chứng kiến qua các bài khảo cứu được tường trình trên các kênh truyền hình quốc tế.
Như vậy, qua sự tiến bộ của sự nhận thức khoa học, con người càng phải đối mặt với một bí ẩn to lớn về sự sống và đồng thời quan niệm chủ trương rằng người ta có thể dùng khoa học để giải mã được mọi bí ẩn của vũ trụ đã từ từ tan biến và mất hết đất đứng. Dĩ nhiên, điều đó không có nghĩa là con người thôi không cần tìm hiểu và nghiên cứu về vũ trụ nữa. Nhưng chỉ muốn khẳng định rằng con người không nên gắn bó với ý tưởng sai lầm cho rằng khả năng nhận thức khoa học của con người có thể xóa bỏ niềm xác tín Kitô giáo vào Đấng Tạo Hóa toàn năng đã tạo dựng nên vũ trụ, con người và tất cả mọi tạo vật khác trong vũ trụ; trái lại đức tin là con đường duy nhất có thể giúp con người giải mã được bí ẩn về nguồn gốc sự sống và của vũ trụ, hay nói cách khác, có thể giúp con người tìm thấy chân lý sau cùng, khi nó dẫn đưa con người đến cùng Thiên Chúa Tạo Hóa, Đấng chính là nguồn gốc của mọi sự sống và của vũ trụ.
Lm Nguyễn Hữu Thy