Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2011

KHÁI QUÁT VỀ ĐẠO TIN LÀNH - Hà Lê

Tác giả : Hà Lê
KHÁI QUÁT VỀ ĐẠO TIN LÀNH

Sự ra đời đạoTin lành
Sự phân liệt lần thứ hai của đạo Kitô vào đầu thế kỷ XVI dẫn đến sự ra đời của đạo Tin lành. Cuộc cải cách này gắn liền với tên tuổi hai đại biểu la Máctin Luthơ (1483 – 1546) và Giăng Canvanh (1509 – 1546).
Thế kỷ XVI là thế kỷ mở đầu cho các cuộc cách mạng tư sản châu Âu. Máctin Luthơ chịu ảnh hưởng của tư tưởng tự do tư sản, phản kháng lại những quy định khắc nghiệt của của Công giáo. Ông thừa nhận Thánh kinh nhưng phủ nhận truyền thống của nhà thờ, bãi bỏ những nghi lễ phiền toái, cải cách lại ngày phục sinh của chúa, chủ trương cho phép các mục sư lấy vợ... Những tư tưởng cải cách này đã dẫn tới xung đột gay gắt quyết liệt với Toà thánh Vaticăng và dẫn đến việc ra đời một tôn giáo mới : đạo Tin Lành.
Nói chung về nội dung cơ bản của đạo Tin lành vẫn giữ nguyên như Công giáo nhưng về luật lệ, lễ nghi, cách thức hành đạo và cơ cấu tổ chức Giáo hội có nhiều thay đổi, ảnh hưởng khá đậm nét tư tưởng dân chủ tư sản, nhấn mạnh ý chí cá nhân.
Giáo lý cơ bản của đạo Tin lành
- Đạo Tin lành đề cao vị trí của kinh thánh, coi đó là chuẩn mực căn bản duy nhất của đức tin và sự hành đạo. Lấy kinh thánh làm giáo lý nhưng đạo Tin lành chỉ công nhận 36 trong tổng số 46 cuốn Cựu ước. Khác với Công giáo, đạo Tin lành không coi Kinh thánh là cuốn sách chỉ có một số người (giáo sĩ) được quyền kê cứu, giảng giải mà tín đồ, giáo sĩ đạo Tin lành đều có quyền sử dụng, nói và làm theo Kinh thánh.
- Đạo Tin lành tin rằng Đức mẹ Maria sinh ra Chúa Giêsu một cách mầu nhiệm nhưng xem bà không phải là mẹ Thiên chúa và chỉ đồng trinh cho đến khi sinh ra Chúa. Tin có thiên sứ, các thánh tông đồ, các thánh tử vì đạo và các thánh khác nhưng không sùng bái và thờ lạy họ như trong Công giáo. Tin có Thiên đàng và Địa ngục nhưng không coi trọng đến mức dùng nó làm công cụ để khuyến khích và răn đe, trừng phạt con người.
Nghi lễ của đạo Tin lành
- Nghi lễ đạo Tin lành khá đơn giản. Đạo không thờ tranh ảnh, hình tượng cũng như di vật. Thánh ca trở thành phương tiện diễn đạt hàng đầu. Tín đồ đạo Tin lành chỉ thừa nhận hai bí tích rửa tội và thánh thể song quan niệm và cách tiến hành nghi lễ đó cũng có nhiều nội dung khác với Công giáo.
- Tín đồ Tin lành xưng tội trực tiếp với Thiên Chúa (Công giáo phải thông qua Linh mục. Khi xưng tội, cầu nguyện tín đồ có thể ở nhà thờ, trước đám đông để sám hối, nói lên ý nguyện một cách công khai.
Tổ chức của đạo Tin lành
- Đạo Tin lành không lập Giáo hội duy nhất mang tính phổ quát cho toàn đạo mà xây dựng các giáo hội riêng rẽ, độc lập với các hình thức khác nhau tuỳ theo hệ phái và từng quốc gia. Nhà thờ đạo Tin lành thường có cấu trúc hiện đại nhưng bài trí đơn giản.
- Giáo sỹ đạo Tin lành có hai chức Mục sư và Truyền đạo (Giảng sư). Các giáo sỹ vẫn có gia đình bình thường nhưng họ phải chịu sự kiểm soát của các tín đồ, không có thần quyền và vai trò tuyệt đối đối với các tín đồ.
- Do nghi lễ đơn giản, những tín đồ Tin lành ít bị gò bó vào nghi thức, họ có khả năng “giao thiệp với Chúa”, mặt khác đạo Tin lành quan tâm đến các vấn đề của cuộc sống hàng ngày như khuyên dạy con người sống văn minh, từ bỏ những hủ tục (trong ma chay, cưới xin, cúng lễ…), quy định những điều cấm kỵ như không quan hệ nam nữ bất chính, không có vợ bé, không cờ bạc rượu chè, ma tuý, đánh chửi nhau… và vì thế đạo Tin lành dễ lôi kéo quần chúng theo đạo.
- Đạo Tin lành có một đặc điểm là không chấp nhận điều gì trái với Kinh thánh, không cho tín đồ thờ cúng tổ tiên, các lễ hội… là cái bị coi là khác điều chúa dạy. Vì lẽ đó những thành viên của nhiều dân tộc theo đạo Tin lành bị buộc phải từ bỏ tôn giáo, văn hóa truyền thống của dân tộc minh.

Đạo tin lành ở Việt Nam
Sự du nhập đạo Tin lành vào Việt Nam
- Đạo Tin lành du nhập vào Việt Nam khoảng cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX do tổ chức Tin lành “Liên hiệp phúc âm truyền giáo” (CMA) truyền vào. Năm 1911 tổ chức này đã xây dựng được cơ sở đầu tiên ở Đà Nẵng. Các Hội thánh tin lành được lần lượt được xây dựng tại các địa phương. Năm 1927, Tổng Hội thánh Tin lành Việt Nam được thành lập. Đến năm 1930, một tổ chức thứ hai là Giáo hội Cơ đốc Phục lâm được truyền vào nước ta.
- Tính đến 1954 đạo Tin lành Việt Nam có khoảng 50.000 tín đồ với gần 100 mục sư truyền đạo trong Tổ chức Hội thánh Tin lành Việt Nam và một số nhỏ tín đồ, mục sư truyền đạo trong tổ chức Cơ đốc Phục lâm.
- Sau năm 1954, đất nước bị chia cắt, đạo Tin lành ở hai miền Nam – Bắc có sự khác nhau: ở miền Bắc, do số đông tín đồ, giáo sĩ đã di cư vào miền Nam và cơ quan Tổng liên hội cũng chuyển vào Sài Gòn nên năm 1955 các tín đồ, mục sư truyền đạo còn ở lại lập nên tổ chức Giáo hội riêng gọi là Tổng hội thánh Tin lành Việt Nam (gọi tắt là Hội thánh Tin lành Miền Bắc) còn tồn tại đến ngày nay với khoảng 10.000 tín đồ. Ở miền Nam, dưới thời Mỹ – Ngụy, Tổng hội Tin lành Việt Nam và các giáo phái nằm trong sự chỉ đạo của các thế lực nước ngoài, nhất là Mỹ. Trong thời gian chiến tranh đạo Tin lành phát triển rộng khắp và đặc biệt chú trọng đến địa bàn Trường Sơn, Tây Nguyên và thường liên quan đến các hoạt động chính trị. Thời kỳ này đạo Tin lành có khoảng 20 hệ phái và các hệ phái này thường tranh giành nhau tín đồ trong đó Tổng Liên hội Hội thánh Tin lành Việt Nam là phái lớn nhất.
Đạo Tin lành ở Việt Nam hiện nay
- Sau ngày miền Nam giải phóng, cùng với sự ra đi của các giáo sĩ nước ngoài và một bộ phận không nhỏ mục sư truyền đạo và tín đồ, đạo Tin lành giảm hoạt động. Một số giáo phái nhỏ hầu như không hoạt động.
- Trong thời gian gần đây, cùng với trào lưu đổi mới Tổng Liên hội Tin lành đã hoạt động trở lại. Các hệ phái liên hệ với nhau, một số phái ra miền Bắc lợi dụng danh nghĩa hợp pháp của Tổng hội thánh Tin lành Việt Nam để truyền đạo. Đặc biệt đạo Tin lành chú trọng phục hồi và phát triển ở Tây nguyên, truyền đạo ở các vùng núi phía Bắc trong các đồng bào dân tộc thiểu số với phương pháp truyền đạo khá đa dạng và linh hoạt. Ngoài việc truyền đạo trực tiếp, các Giáo hội Tin lành thường thông qua các hoạt động khoa học, văn hóa - xã hội, giáo dục, y tế, đầu tư kinh doanh… tranh thủ cảm tình của quần chúng để truyền đạo, thậm chí còn dùng cả các biện pháp mua chuộc, đe dọa và cưỡng ép vào đạo. Hiện nay một số thế lực phản động trong và ngoài nước đã bịa đặt ra cái gọi là Nhà nước Đềga độc lập và Tin Lành Đềga ở Tây Nguyên nhằm tuyên truyền, kích động cho sự chia rẽ, ly khai.. Nhà nước Việt Nam đã kiên quyết bác bỏ cái gọi là “Nhà nước Đềga độc lập”, coi đây là âm mưu chia rẽ sự toàn vẹn lãnh thổ và gây mất an ninh trật tự của đất nước và khẳng định ở Việt Nam không có cái gọi là đạo Tin Lành Đềga ngoài đạo Tin Lành đã tồn tại ở nước ta trong nhiều năm qua.
(ST)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét