Thứ Hai, 30 tháng 1, 2012


Đức tin và khoa học

E-mailPrint
Font Size Larger Font Smaller Font
ton_giaoPhải chăng khoa học đi ngược lại lịch sử sáng tạo của Kinh Thánh? Có nhiều người đã nghĩ như vậy và cho rằng khoa học và lịch sử sáng tạo của Kinh Thánh hoàn toàn không thể đi đôi với nhau được, vì một bên dựa trên những lý chứng rõ ràng minh bạch, còn bên kia lại dựa trên đức tin và mang tính chất truyền thuyết giả tưởng. Vì thế, họ cho rằng bao lâu lịch sử sáng tạo của Kinh Thánh còn được khẳng định thì không thể nói đến thuyết tiến hóa, vì có hai lý do đối kháng giữa Kinh Thánh và khoa học không thể vượt qua được.
Lý do thứ nhất: Trong khi theo Kinh Thánh thì trước hết Thiên Chúa đã dựng nên trái đất và tiếp đến mới dựng nên các tinh tú, khoa học tân tiến ngày nay về vũ trụ lại cho rằng trái đất là một trong số các hành tinh được hình thành về sau này, kết quả của một cuộc nổ tung vĩ đại (big Bang) trong vũ trụ trên dưới 14 tỷ năm về trước.
Lý do thứ hai: Trong khi theo Kinh Thánh thì trước khi dựng nên con người, Thiên Chúa đã dựng nên các thứ thú vật và những cây cỏ xanh tươi làm lương thực cho chúng, một hình ảnh đầy hiền hòa của vườn Địa đàng, thuyết tiến hóa lại chứng minh rằng trước khi có sự hiện hữu của con người trên trái đất thì đã có những dã thú ăn thịt rất hung dữ, chứ không chỉ gặm cỏ cách hiền hòa mà thôi.
Ngoài hai lý do đối kháng trên đây, còn một lý do khác nữa, đó là: Theo sự trình thuật của sách Sáng Thế Ký thì vũ trụ được dựng nên trước khi xảy ra sự sa ngã phạm tội của ông A-dong và bà E-và, nhưng theo ý kiến khoa vũ trụ học và thuyết tiến hóa thì sự sa ngã phạm tội của ông A-dong xảy ra trước khi có vũ trụ, tức vũ trụ chúng ta sống.
Thật ra, sự kiện con người bị trục xuất ra khỏi vườn Địa đàng không có nghĩa là Thiên Chúa đã dựng nên một vũ trụ thứ hai như nơi đày ải đầy khổ cực, thay thế cho vũ trụ thứ nhất đã bị hủy hoại do tội nguyên tổ gây ra, và trong vũ trụ thứ hai ấy con người phải sống cuộc sống đầy gian lao vất vả sau khi đã phạm tội và vị trục xuất khỏi vườn Điạ đàng. Nhưng sự thật là vườn Địa đàng bị khóa lại và thay vào đó là một thế giới đã trở nên hư hỏng do tội lỗi gây nên.
Thiên Chúa Tạo Hóa không dựng nên hai vũ trụ
Như vậy, theo Kinh Thánh, qua sự sa ngã phạm tội của ông A-dong các tương quan trong vũ trụ và trong lịch sử tạo dựng của cuộc sống trên trái đất đã hoàn toàn bị đão lộn và chính chúng là đối tượng nghiên cứu của khoa học như khoa vũ trụ và thuyết tiến hóa. Nói cách khác, chính do tội con người gây ra, trái đất đã bị nguyền rủa và đã bị thay đổi từ nền tảng: đất đai mất hết mầu mỡ và trở nên gai góc, khô cằn, và vì thế, con người phải đổ mồ hôi nước mắt mới kiếm được của ăn hằng ngày và sau cùng lại phải đón nhận cái chết như hậu quả tất yếu (x. St 3,17-19). Điều ấy muốn khẳng định rõ ràng là qua sự trình bày này về sự thay đổi của vũ trụ, Kinh Thánh chỉ muốn nói đến hậu quả trực tiếp của tội lỗi đã làm cho những điều kiện sống của con người trở nên vất vả khổ cực, chứ xét về toàn diện, các điều kiện sống đó không thể tách biệt con người ra khỏi vũ trụ, hay nói đúng hơn, Thiên Chúa đã không dựng nên một vũ trụ mới đầy khổ ải, đau thương và cằn cỗi để đày đọa và phạt tội con người. Nếu bây giờ những thay đổi của vũ trụ xét theo toàn thể đã trở thành đối tượng của thuyết tiến hóa, thì không có gì là đi ngược lại lịch sử sáng tạo của Kinh Thánh. Và cũng chính hậu quả của tội lỗi gây ra, nên không chỉ đất đai trở nên gai góc và khô cằn, khiến cho con người phải vất vả cực nhọc mới kiếm được của ăn nuôi thân, nhưng cả các loài vật cũng phải tranh dành, ăn thịt lẫn nhau mới mong tồn tại. Qua đó, người ta thấy rằng giữa lịch sử sáng tạo và thuyết tiến hóa không có gì mâu thuẫn nhau. Chỉ có khác nhau duy nhất ở chỗ: Theo Kinh Thánh thì tất cả mọi tạo vật là do công trình sáng tạo của Thiên Chúa, còn theo khoa học thì tất cả mọi sự là hậu quả của một sự phát triển tự nhiên.
Nói một cách tổng quát, tư tưởng nguyên thủy về cây gia phả được coi là „lý thuyết về chủng tộc“. Nhưng một câu hỏi lại được đặt ra là làm thế nào người ta có thể ghép chung các loài bò sát, các loại chim chóc, các loại cá, v.v… hoàn toàn khác nhau, cùng theo một cách thức phát sinh giống nhau? Vào năm 1866, Ernst Haeckel, nhà sinh vật học người Đức, đã bỏ ngoài mọi do dự và bất đồng ý kiến trong dư luận và đã cho công bố lý thuyết về cây gia phả (Stammbaum).
Ngày nay, lý thuyết về phổ hệ hay tộc hệ (Genealogie) của các loại động vật đã bị loại bỏ. Qua những cuộc khai quật người ta đã tìm thấy được những dấu tích thuộc cổ sinh vật học giúp khám phá ra rằng, các cơ thể sinh vật được phát sinh, nảy nở và chết đi. Chính trong quá trình ấy, cơ thể các sinh vật luôn luôn phát triển và hoàn thiện theo những cấp bậc cao hơn và tiến mãi cho tới khi thành con người. Trong đó, giữa những cơ thể sinh vật khác nhau có những tính chất tương đồng (Homologien) thuộc giải phẩu học, thuộc sinh lý và trong các sinh hoạt nhất định, khiến người ta có thể phân biệt được các nhóm sinh vật có liên hệ gần gũi hay xa biệt nhau.
Chính điều này đã làm nảy sinh ý kiến mới khác cho rằng trên mặt đất đã xảy ra một sự tiến hóa nội tại, tức mọi sinh vật tự phát triển, theo những định luật tự nhiên, và qua đó tư tưởng về một Đấng Tạo Hóa hoàn toàn không có chỗ đứng. Dĩ nhiên, người ta cũng đừng vội quên rằng đây mới chỉ là một ý kiến mang tính cách loại suy mà thôi. Vâng, ở đây nguyên nhân mới chỉ được cắt nghĩa theo hiệu quả mà thôi, trong khi một định luật chỉ có thể kiểm tra được một cách thực nghiệm, nếu qua những dẫn chứng của nguyên nhân, hiệu quả được dự đoán cũng thực sự được hiện thực.
Với tính cách là nguyên nhân, người ta phỏng đoán được sự ngẫu biến (Mutation) và đào thải (Selection). Nhưng người ta cần phải hiểu những quá trình diễn biến ấy như thế nào? Qua quá trình „ngẫu biến“ người ta hiểu là những thay đổi của những cái được gọi là phân tử di truyền (Gène), qua đó những hình thức sinh vật học mới được phát sinh, trong khi đó sự đào thải lại quyết định hướng đi từ những tế bào phôi thai tiến tới thành người. Nhưng bây giờ lại có một sự ngẫu biến không thể cắt nghĩa theo khoa học được, một sự ngẫu biến không phải là một định luật có thể định nghĩa được. Nói cách khác, có những thay đổi của phân tử di truyền dẫn tới những hình thức mới mẻ một cách theo kiểu vi trùng học, mà theo khoa học thì không thể giải thích được.
Còn bây giờ chúng ta thử tìm hiểu những điều có liên quan tới sự đào thải. Những diễn biến sự đào thải từng đã đưa tới sự nảy sinh tiến hóa lâu dài của những cơ thể sinh vật thì luôn luôn là một bí ẩn. Vâng, quả là một ẩn số khó tìm ra được một giải thích thỏa đáng trong các trường hợp tiến hóa lâu dài ấy, ví dụ: sự tiến hóa từ những loại bò sát biến thành những con chim hay từ những con cá bơi lội trong nước trở thành những con vật sống trên đất.
Giờ đây người ta đã tìm cách giải mã điều bí ẩn lớn nhất của sự tiến hóa bằng những phương tiện thuộc sinh vật học về phân tử hay thuộc tính trùng hợp hóa học. Vấn đề ở đây là vấn nạn về sự xuất phát của những chuỗi dài yếu tố di truyền DNA, tức những yếu tố cơ bản cấu tạo nên sự sống. Nhưng điều ấy đã rõ ràng nói lên rằng sự cấu tạo những chuỗi như thế nếu không có sự can thiệp của một ý muốn vốn đã hiện hữu trước hay nói cách khác, nếu không có một Đấng Tạo Hóa toàn năng và tự hữu, thì hoàn toàn là một điều bất khả, ví dụ như trong việc chế tạo ra những chất hóa học đa dạng xảy trong phòng thí nghiệm hay trong sự xản xuất kỹ nghệ.
Quan niệm chủ trương có thể giải thích được vũ trụ mất chỗ đứng
Tuy nhiên, sự phê bình này không chỉ nhằm vào lý thuyết về nguồn gốc xuất phát của sự sống, nhưng còn nhằm tới quan điểm khá phổ quát cho rằng sự tiến hóa lâu dài xảy ra qua sự ngẫu biến và qua sự đào thải. Nhưng như đã trình bày, sự tiến hóa lâu dài được dựa trên một sự ăn sâu của những phân tử di truyền vào những chuỗi DNA đang hiện hiện sẵn, chứ không dựa theo sự ngẫu biến. Vì vấn đề ở đây không phải là bất cứ những phân tử di truyền nào đó, nhưng là những phân tử di truyền mới và vượt lên trên những phân tử đang có. Dĩ nhiên, sự diễn biến như thế thì chắc chắn là rất khó lòng kiểm soát được.
Ở đây, chúng ta hãy nghe ý kiến của hai nhà hóa học nổi tiếng, Bruno Vollmert und Manfred Eigen. Tiến sĩ Vollmert viết: „Khi tôi càng nỗ lực suy luận một cách chính xác theo đúng các nguyên tắc khoa học, thì tôi càng trở nên xác tín hơn khi cho rằng vũ trụ đã được một Đấng Tạo Hóa toàn năng tạo dựng nên, chứ không phải như thuyết tiến hóa của Darwin chủ trương“ (x. „Das Molekül und das Leben“). Còn tiến sĩ Eigen đã kết luận: „Nếu ngày nay có ai khẳng định rằng vấn đề nguồn gốc sự sống trên hành tinh chúng ta đang ở đã được giải mã, thì người ấy đã quá lời so với sự hiểu biết của mình“ (x. trong „Die Entwicklung des Lebens“).
Để tóm luợc suy luận trên, có lẽ chúng ta thử đưa ra một ví dụ: Chẳng hạn cứ tạm cho rằng người ta tìm thấy trên mặt trăng một chiếc máy bay tối tân, và người ta cũng biết được chiếc máy bay đó đã được lắp ráp và cấu trúc như thế nào. Tuy nhiên, còn một bí ẩn chưa được giải mã, đó là sự lắp ráp thành chiếc máy bay đã thành công ra sao.
Một điều đáng ghi nhận ở đây là đại chúng biết được rất ít về tính cách khả nghi của thuyết tiến hóa cũng như sự đa dạng trong công cuộc khám phá cơ bản và quan trọng của nó. Nhưng cũng phải chấp nhận rằng hiện tượng ấy sẽ có thể thay đổi theo một mức độ mà kinh nghiệm về không gian đang thu hút một sự chú ý rộng rãi của đại chúng như chúng ta từng chứng kiến qua các bài khảo cứu được tường trình trên các kênh truyền hình quốc tế.
Như vậy, qua sự tiến bộ của sự nhận thức khoa học, con người càng phải đối mặt với một bí ẩn to lớn về sự sống và đồng thời quan niệm chủ trương rằng người ta có thể dùng khoa học để giải mã được mọi bí ẩn của vũ trụ đã từ từ tan biến và mất hết đất đứng. Dĩ nhiên, điều đó không có nghĩa là con người thôi không cần tìm hiểu và nghiên cứu về vũ trụ nữa. Nhưng chỉ muốn khẳng định rằng con người không nên gắn bó với ý tưởng sai lầm cho rằng khả năng nhận thức khoa học của con người có thể xóa bỏ niềm xác tín Kitô giáo vào Đấng Tạo Hóa toàn năng đã tạo dựng nên vũ trụ, con người và tất cả mọi tạo vật khác trong vũ trụ; trái lại đức tin là con đường duy nhất có thể giúp con người giải mã được bí ẩn về nguồn gốc sự sống và của vũ trụ, hay nói cách khác, có thể giúp con người tìm thấy chân lý sau cùng, khi nó dẫn đưa con người đến cùng Thiên Chúa Tạo Hóa, Đấng chính là nguồn gốc của mọi sự sống và của vũ trụ.
Lm Nguyễn Hữu Thy

KHOA HỌC VÀ TÔN GIÁO




            Gần đây có vài ba sự kiện khoa học có liên quan đến tôn giáo khiến ta phải lưu tâm. Một nhóm 24 nhà khoa học đứng đầu là Craig  Venter,  một trong những cha đẻ của dự án hệ di truyền con người (human genome ) đã công  bố trên tạp chí khoa học một khám phá mới, giải thích cách thức họ khởi đầu dùng một tế bào  sống cộng thêm một nhiễm sắc thể nhân tạo (synthetia chromosome )  để hòan tòan biến đổi tế bào nhân tạo mới (nguồn Dũng Lạc) . Dư luận bàn tán nhiều về khám phá này,  báo chí gọi Craig Vente, người không hề che giấu cái tham vọng vượt trên tư duy thông thường  là ông đang muốn chơi trò làm Thượng Đế ( nguồn BBC ngày 26/5/2010) Còn Tòa Thánh Vatican thì đang chờ đợi thêm dữ kiện trước khi đưa ra những hướng dẫn về luân lý và đạo đức.


            Trước hết cần xác định một điều đó là,  cũng như bất cứ một ngành nhân văn nào, tôn giáo được hình thành  phát triển là bởi và cho con người.  Hiểu như thế  thì để có thể đánh giá  cách đúng đắn  về một tôn giáo nào đó chúng ta không thể không xét đến  mối tương quan của nó với đời sống và đời sống ở đây được hiểu bao gồm  không ngòai hai phạm vi triết học và khoa học. Nói là hai, không phải là để phân chia thành hai giai đọan khác nhau  nhưng nó luôn song hành trong một thế tương tác hữu cơ một khi ta hiểu triết học là nguyên lý của đời sống và khoa học như là phương pháp để thực hành nguyên lý ấy.  Ai cũng biết Đạo Chúa  chịu ảnh hưởng sâu đậm bởi triết học Aristote. Đang khi đó triết học này trong thực chất lại chỉ là một thứ vật lý học trá hình. Vật lý học trong thời đại ấy  mặc dầu vẫn còn  phôi thai nhưng dẫu sao nó vẫn là một khoa học và khoa học này nhắm đến cái đích là để giải thích về căn nguyên tạo thành vũ trụ. Chính  là do nơi ảnh hưởng đó mà triết học Trung Cổ mới đưa ra định nghĩa  cho triết học thế này “ Triết học là khoa học về vạn vật, lấy nguyên nhân tối cao để giải thích chúng” ( La philosophie est la science des choses par leurs causes  suprêmes ). Có thể nói, kể từ thời Trung cổ, tất cả nỗ lực  chịu ảnh hưởng của Kinh Viện học ( Scholastique )  đều chỉ biết xoay quanh  cái trục “ Nguyên Nhân Tối Cao”  còn được gọi là Đấng Tạo Hóa đó mà thôi. Tuy nhiên triết học trung cổ ảnh hưởng  bởi Aristote ấy  đã phải đối phó với hết cơn khủng hỏang này đến cơn khủng hỏang khác  mà cao trào của nó  chính là Thuyết Tiến Hóa của Darwin (  ). Theo thuyết này thì Sự Sống không phải được tạo thành bởi một Đấng Thần Linh nào  hết  mà là do nơi cuộc tiến hóa và luận điểm gây sốc nhất  có lẽ cho đến nay vẫn còn tồn tại  đó là con người sinh ra bởi khỉ ?  Xưa nay đạo giáo vẫn nhất trí giảng dạy Đấng Tạo Hóa sinh ra con người mà nay lại nói ..bởi khỉ thì  sao mà  chịu cho   thấu ?. Mặc dầu thế, sau những cuộc đấu khẩu,  kể cả những vụ án trừng trị những kẻ tuyên truyền thuyết tiến hóa được gọi là những…” vụ án con khỉ”  và đặc biệt  là cuộc tranh luận giữa giám mục Wilberforce  và Huxley tại đại học Oxford năm 1860 thì giáo hội dường như đã xoay chiều. Từ đầu TK 20 thay vì dùng Thánh kinh để phi bác thuyết tiến hóa . Các nhà chú giải, ngược lại đã ra công ra sức  giải thích sao cho TK có thể phù hợp với  các khám phá khoa học.  Tuy nhiên có thể  nói tất cả những nỗ lực ấy đều đã thất bại. Với những  tiến bộ không ngừng trong lãnh vực vĩ mô, con người đã đặt chân lên tới mặt trăng, còn trong vi mô thì đã có những thí nghiệm biến đổi gien  và tạo ra được cả tế bào mới như  đã biết.


              Chúng ta không thể phủ nhận sự tiến bộ vượt bậc của khoa học nhưng đồng thời cũng phải công nhận sự thất bại của giáo hội trong việc muốn dung hòa đức tin với nó. Khoa học và đức tin không thể cùng sóng đôi đồng hành. Khoa học càng tiến bộ bao nhiêu thì càng xa rời tôn giáo bấy nhiêu  đến nỗi tất nhiên sẽ phế bỏ nó.  Lại vừa mới đây, nhà vật lý nổi tiếng Stephen Hawking  tác giả  của nhiều công trình khoa học như “ Lược sử về thời gian , Lýthuyết về bức xạ,  về Hố Đen( black Holes”  v.v.  cũng đồng thời là thành viên chính thức của giáo hòang học viện khoa học , ông đã  trả lời hãng Thông Tấn ABC News về sự thắng thế của khoa học đối với tôn giáo thế này “ Có một sự khác biệt giữa tôn giáo và khoa học . Tôn giáo dựa trên quyền bính , khoa học dựa trên quan sát và lý trí. Khoa học sẽ chiến thắng bởi vì nó có kết quả” ( Nguồn Dũng Lạc  10/6/2010 ).  Trước khi phân tích sự khác biệt giữa khoa học và tôn giáo thiết tưởng cũng nên xem xét lời tiên báo “ Khoa học sẽ chiến thắng bởi vì nó có kết quả”. Chẳng biết ý của vị giáo sư này khi nói đến  cái kết quả do khoa học đem lại cho nhân lọai là gì nhưng theo tôi kết quả ấy  cần  thể hiện trên hai phương diện đó là sự hiểu biết và hạnh phúc. Có lẽ cũng chẳng cần phải đợi đến một tương lai xa xôi nào đó  con người mới có được thành quả do khoa học đem lại “ Chúng ta là những người hiểu biết nhất trong lịch sử văn minh nhưng cũng là những người khốn khổ nhất. Các học sinh trung học của chúng ta biết nhiều về những định luật vật lý của vũ trụ hơn cả nhà khoa học tài ba nhất trong thời Aristote. Nhưng dù đầu  óc chúng ta đầy ắp kiến thức, con tim chúng ta  thì lại trống rỗng” ( Tiến sĩ Billy  Graham – Bình an  trong Thượng Đế ) Đầu óc thì đầy ắp kiến thức, cái gì, ở đâu cũng biết ngay cả trẻ em cũng vậy,  còn con tim thì trống rỗng. Trống rỗng ở đây  là thiếu vắng  tình yêu, sự cảm thông . Hay nói cách khác  sự thiếu tình yêu  đó đồng nghĩa với  vô cảm trước khổ đau, bất công   của  con người…Một khi tình yêu thiếu vắng thì sự buồn chán sẽ thâm nhập, điều ấy   là đương nhiên “ Hiện nay số người buồn chán trên thế giới thì nhiều hơn bất cứ thời nào khác, chúng ta biết thế và chúng ta có quá nhiều trò  vui.  Dân chúng trống rỗng đến nỗi không thể tự giải khuây. Họ phải mướn người khác  làm cho họ vui, chọc cho họ cười, gây cho họ cười, gây cho họ cảm giác được ấm cúng  hạnh phúc và dễ chịu trong giây  lát, quên cái cảm giác trống rỗng  ghê rợn và cô độc” ( Billy Graham Sđd )


             Hiểu biết rất nhiều, cái chi cũng biết thế nhưng vẫn cô đơn  lạc lõng trống rỗng, tại sao lại như vậy ? Đó là bởi con người là lòai có cả xác lẫn hồn tức phần vật chất  và tâm linh. Con vật đói thì đi kiếm cái ăn, động tình  thì đi giao phối.  Nhưng con người  ngòai  hai cái bản năng đó ra nó còn cần đến mỗt thứ khác  đó là thỏa mãn cho tâm linh mình. Khoa học  dù cho có đem lại sự hiểu biết, phương tiện sinh sống  đến đâu đi nữa  thì nó cũng không thể đáp ứng được nhu cầu tâm linh. Nhu cầu  ấy  con người chỉ có thể tìm gặp ở nơi tôn giáo  và  có nhận ra được điều ấy thì ta mới có thể trả lời được câu hỏi tại sao với biết bao  thế lực mạnh mẽ  chỉ muốn chăm chắm tiêu diệt tôn giáo nhưng rồi nó vẫn cứ tồn tại, trong khi đó đã có không biết bao nhiêu là nền văn minh, bao nhiêu chế độ thế trần  đã sụp đổ… Khoa học có lãnh vực của nó và lãnh vực ấy chỉ có thể  bó gọn trong phạm vi  vật chất.  Ngược lại tôn giáo không phải chỉ quan hệ  trong lãnh vực tinh thần  nhưng nó lại quyết định cho cả vật chất.  Con người làm chủ mọi tạo tác như đi, đứng nằm ngồi nói năng ….nhưng cái làm chủ đó không phải xác thân nhưng là tinh thần tức tư tưởng. Có ý nghĩ ăn mới ăn, có ý nghĩ đi mới đi  v.v…Nói cách khác xác thân chỉ là cái dụng cụ  của tư tưởng. Chính là tư tưởng điều khiển  mọi hành vi của ta chứ không phải ngược lại.  Mặt khác tư tưởng  chủ đạo không những chỉ cho những hành vi mà còn cho cả việc thiện ác. Có tư tưởng thiện mới làm thiện, trái lại  tư tưởng ác sẽ làm việc ác.  Mặc dầu tư tưởng  là cái quyết định chứ không phải thân xác  thế nhưng nếu không có thân xác  thì tư tưởng lại không biết dựa vào đâu để thể hiện. Phần việc của khoa học  là để lo cho thân xác và chỉ có  thế mà thôi. Còn tôn giáo thì việc của nó  tuy chỉ để lo cho tâm linh nhưng nếu tâm linh an thỏa thì   thân xác cũng được  sung túc. Đức Kitô nói “ Trước hết hãy lo tìm kiếm Nước Chúa và sự công chính của Ngài  thì mọi điều ấy ( cuộc sống xác thân ) sẽ được thêm cho các ngươi” Mt 6, 33 )  Cuộc khủng hỏang dữ dội như hiện nay đang thấy  cả về phía những kẻ chống đối cũng như những người muốn bảo vệ  phải chăng đã không nhận ra được con đường tâm linh của  giáo hội ?  Vì không nhận ra được tính chất tâm linh ấy  nên một  người như Hawking một thành viên của giáo hòang học viện  mới nêu lên sự khác biệt giữa khoa học và tôn giáo một cách hết sức hàm hồ  như thế. Quả đúng là có sự khác biệt  nhưng không  phải giữa một bên là lý trí bên kia là …quyền bính nhưng là sự khác biệt cả trong mục đích lẫn phương pháp.


            I/-  Khác biệt về mục đích.

            Khoa học trước  khi được sử dụng để đem lại ích lợi cho cuộc sống  thì nó là bản tính hiếu tri ở nơi con người. Bản tính ấy khi còn ở dạng sơ khai, thuần túy đó chỉ là sự tò mò. Thấy con chim bay lượn trên trời, có người nhìn ngắm  cách thích thú  và ước ao giá mình cũng bay lên được như nó.  Kẻ đó về nhà ngẫm nghĩ , suy tính mày mò để làm ra đôi cánh , cột vào hai cánh tay, nhờ vào sức gió  đẩy may ra có thể bay lên. Đây là những bước tiến chập chững  đầu tiên của nhà phát minh ra máy bay v.v… Những nhà phát minh ấy  thọat đầu họ  đâu có nghĩ  gì tới mục đích mà khoa học đem lại cho cuộc sống? Những phát minh  khoa học ấy tự thân nó  có được chỉ là vì tính hiếu tri mà thôi và tính hiếu tri ấy có thể chế ra những phương tiện   hữu dụng cho cuộc sống  nhưng cũng có thể  có hại.  Nobel phát minh ra thuốc nổ, có thể dùng để phá núi làm đường nhưng cũng có thể  phá họai cầu cống  hoặc nổ banh xác quân thù … A. Einstein  phát minh  lý thuyết  chế tạo bom nguyên tử  để rồi ân hận suốt đời. Và gần đây  là phương pháp sinh sản vô tính, làm biến đổi gien, tạo tế bào mới v.v.. Bản thân tính hiếu tri không xấu nhưng nó có` thể sử dụng vào việc xấu lý do là bởi cái gọi là “TRI” ấy chỉ là tri thức  chứ không phải trí tuệ.  Tri thức là sự hiểu biết chỉ bó gọn trong phạm vi hiện tượng giới tức là những cái biết do phân biệt  như tai nghe mắt thấy  tư duy này nọ…Tòan bộ những cái biết do phân biệt mà có ấy sở dĩ gọi là hiện tượng  bởi vì chúng  có lúc có lúc không. Còn duyên thì gọi là có, hết duyên thì mất.  mắt nhìn  cảnh vật  trời mây non nước dòng sông, cô lái đò v.v..nhưng nhắm mắt thì lại không thấy  hoặc chỉ  chốc lát sau mây cũng trôi  mà thuyền cũng  chẳng còn thấy đâu nữa…Những cái biết phân biệt  như thế  đều là giả có, không thật nhưng bởi vì vô minh  nên con người  lại luôn  đắm chấp cho  nó là thật có, nào vợ con tôi, nhà cửa xe cộ của tôi, danh dự địa vị  chức quyền của tôi. Chúng không thật có  lại cho là thật  thế nên  khi nó mất đi , tan biến đi , cát bụi  trở về bụi cát  thì than thở khổ não, trách trời óan đất !!!. Con người vì u mê nên mới cứ như con thiêu thân  lao mình vào chỗ chết mà không biết. Tôn giáo đưa đến  một con đường sống, đường sống ấy chính là đường Sự Thật “ Nếu các ngươi cứ ở trong Đạo của Ta  thì thật là môn đệ Ta. Các ngươi sẽ biết sự thật và sự thật sẽ giải thóat các ngươi” Ga 8, 31. Biết  sự thật  chính là Cái Biết Trí Tuệ  vô phân biệt, nó khác hẳn với cái biết mang tính phân biệt của tri thức khoa học.  Do nơi mục đích khác nhau thì tất nhiên để đạt được mục đích ấy, phương pháp cũng phải khác.


             II/- Khác biệt về phương pháp

             Có quan điểm cho rằng khoa học và đức tin tôn giáo không chống trái nhau bởi vì chúng cùng trên đường đến một chân lý duy nhất. Điều ấy có thể đúng nếu chân lý ấy  được gọi bằng cái tên là Đấng Thiên Chúa Tạo Hóa có nghĩa Đấng ấy đã tạo dựng nên thế giới vật chất này. Thế  nhưng  Đấng được gợi là Tạo Hóa ấy  thực chất chỉ là cái tên, một thứ khái niệm  chứ không phải Thực Tại. Cũng chính bởi Thiên Chúa của thần học chỉ là khái niệm  thế nên như chúng ta biết đã có không biết bao nhiêu là lọai thần học khác  biệt và chúng luôn bất đồng với nhau.  Con đường khoa học theo đuổi  trước sau vẫn chỉ là quan sát và thực nghiệm. Quan sát tức là từ nguyên nhân này để đến một kết quả  kia.  Cứ theo dõi cái chuỗi nhân quả đó mà nhà khoa học  đưa ra  khẳng định thế này thế khác. Mặc dầu vậy khẳng định nào cũng phải đưa vào thực nghiệm  thì mới có được kết quả cuối cùng. Hễ công trình nào  mà được tiến hành bằng quan sát  và thực nghiệm như thế  đều được gọi là khoa học. Tuy vậy, tất cả các công đọan quan sát và thực nghiệm ấy  đều có đối tượng là vật chất , không thể khác và đây chính là điểm hòan tòan khác biệt với tôn giáo.  Tại sao vậy ? Bởi lẽ đối tượng của  khoa học là vật chất  còn của tôn giáo  lại là tâm linh. Vẫt chất thuộc lãnh vực hữu hình, có thể thấy nghe nếm ngửi đụng chạm nghĩ suy. Trái lại tâm liunh thì vô hình không thể thấy nghe cảm nhận nghĩ suy (kiến văn giác tri ) Những cái mà khoa học có thể quan sát  thực nghiệm đương nhiên chỉ là vật chất và khoa học cũng chỉ có thể chấp nhận đến cái ngưỡng dục giới ấy mà thôi. Đang khi đó lãnh vực tâm linh  cũng là khoa học nhưng cái ngưỡng của nó  thì vô biên , chẳng những gồm cả sắc giới  mà còn cả vô sắc.  Việc quan sát thực nghiệm của khoa học là thuộc  phạm vi vật chất hữu hình  còn trong tâm linh lại thuộc lãnh vực tư tưởng. Việc quan sát ở đây tức là quan sát tư tưởng ở nơi chính mình  để rồi đạt đến chỗ có thể  dừng (đình chỉ ) nó lại. Dừng lại tư tưởng mình,  đây chính  là công cuộc thực nghiệm trong tôn giáo. Tư tưởng là nơi phát xuất của tòan bộ hành vi thiện ác nhưng nếu không quán sát được nó  thì không sao mà có thể dừng nó  được. Cứ chạy theo tìm cầu những cái ở bên ngòai mình  đó là vô minh mê lầm. Trái lại biết quay vào bên trong mà dừng đó lại là người có trí tuệ. Tổ Lâm Tế nói “ Chỗ ông dừng một niệm là Cây Bồ Đề, ông một niệm không thể dừng được là cây vô minh” Nhà Thiền nói “ Dừng một niệm”  thì một niệm ở đây   Nhà Đạo chúng ta  gọi là ý riêng. Dừng một niệm cũng tức là bỏ ý riêng mình đi.  Khoa học  một khi  chỉ biết nhắm vào đối tượng vật chất  để  mà quan sát thực nghiệm  như thế  thì cũng  chẳng khác nào mài gạch mà mong có ngày thành gương soi,  gốc một khi đã vô minh  thì  ngọn  làm sao  có thể  khác ? Vì vậy  cái mà nó tưởng rằng …thắng được tôn giáo  chẳng qua chỉ là việc giơ chân đạp mũi nhọn, khó thể nào tránh khỏi  Ngày Thạnh Nộ  của Chúa, ai mà đương cự nổi ? Kh 6, 17.
















Tác giả: Phùng Văn Hóa


KHOA HỌC VÀ ĐỨC TIN: §4 - TỪ VẬT LÝ HỌC ĐẾN TÂM LINH HỌC


Triết học Hy lạp ngay từ đầu đã có sự lẫn lộn giữa vật lý học với siêu hình học đến nỗi có học giả đã nói cách giễu cợt rằng “vật lý học của Aristote là một thứ vật lý học siêu hình và siêu hình học của ông lại là siêu hình học vật lý” (xem T.T.Đỉnh. Triết học hiện sinh) Lý do khiến đưa đến có sự mập mờ lẫn lộn giữa siêu hình học và vật lý học như thế là vì cái gọi là vật lý học ấy trong thực chất cũng chỉ là một thứ tri thức luận có nghĩa thuần là lý thuyết. Chính bởi đó mà vật lý học (Physica) còn có tên khác là Thiên nhiên học (Natura physica). Tuy gọi là Thiên nhiên học nhưng lại không hề học về thiên nhiên (vật) mà lại về Thiên nhiên tính với những câu hỏi đại loại như “Làm thế nào một sự vật lại có thể cứ mãi là nó như thế mà đồng thời vẫn chấp nhận được những thuộc tính khác nhau đôi khi còn đối lập nhau nữa ?(L.T.Nghiêm. SĐD) Nguyên nhân khiến cho vật lý học cứ phải gắn liền với siêu hình học như thế bởi chưng còn thấy “ vật” dù “vật”ấy chỉ là nguyên tử rắn chắc không thể phân chia. Một khi đã thấy” vật”thì đương nhiên phải tìm cho nó một cái nguyên nhân và việc tìm ấy người ta gọi nó là siêu hình học, đệ nhất triết học, khoa học Thánh, Thần học v.v…Đang khi ấy với nền vật lý hiện đại người ta đã khám phá ra rằng”vật”không còn là”vật”mà là năng lượng. Điều này không thể không khiến cho toàn bộ Siêu hình học Tây phương tồn tại trong bấy lâu nay lâm cơn khủng hoảng và rồi đi đến chỗ sụp đổ
Một nền Siêu Hình Học được xây dựng dựa trên nền tảng của”vật”tức vẫn còn ở trong phạm vi”TĨNH CHỈ”= Vật luôn chỉ là vật mà không thể là”phi vật”. Núi chỉ là núi mà không thể là”phi núi.”Người chỉ là người mà không thể là”phi người”.. Trái lại khi vật không phải vật mà là năng lượng thì trái núi kia có thể được nổ mìn phá ra thành những viên đá lót đường, có thể nghiền nát để làm ximăng hoặc đục đẽo để thành tượng Phật, tượng Chúa v.v….. Còn cái gọi là”Người”đây cũng không phải cứ mãi là “người”mà có thể là quỷ, là Thần, là Thánh một ngày nào đó. Bất cứ một nền Thần học nào còn thuộc loại”TĨNH”như thế đều chỉ có thể sản sinh ra những khái niệm chết khô chẳng liên quan gì tới Thực Tại là cái biến chuyển không ngùng. Sự biến chuyển ấy dĩ nhiên không phải chỉ có tính cách vĩ mô nhưng nó diễn ra ngay trong lòng mỗi một nguyên tử”Thí nghiệm Rutherford cho thấy nguyên tử không hề là những hạt nhỏ không thể phân chia mà chỉ là không gian trống rỗng trong đó những hạt li ti vận động. Rồi bây giờ thuyết lượng tử lại còn cho rằng bản thân những hạt đó cũng chẳng cứng chắc gì cả theo nghĩa của vật lý cổ điển. Những đơn vị hạ nguyên tử là một cấu trúc trừu tượng  với thuộc tính hai mặt. Tuỳ theo chúng ta nhìn chúng như thế nào mà chúng xuất hiện khi là hạt khi khác là sóng. Ánh sáng cũng xuất hiện hai mặt, khi là sóng điện từ khi thì xuất hiện như hạt”(Fritjop Capra – Sđd)
Ở đây ta thấy với cái nhìn thấu thị của vật lý học hiện đại thì nền tảng của vật chất không phải là những hạt rời rạc không thể chia phân mà tất cả đều dung thông với nhau trong một tổng thể duy nhất. Sở dĩ có được sự dung thông ấy là vì bản thân cái gọi là hạt ấy chỉ là một không gian trống không. Nếu bản thân các hạt đã trống không thì toàn thể vạn vật cũng trống không. Trống không ở đây không phải là không có gì hết(ngoan không)nhưng là không có tự thể (vô tự tánh, vô ngã). Chính bởi không tự thể mà muôn sự muôn vật mới có thể hiện hữu. Trái núi vì không có tự thể nên mới có thể dung thông được với suối nguồn, rừng cây, chim muông đủ thứ. Con sông vì không có tự thể nên mới có thể dung thông được với từng bầy cá lội nhởn nhơ, còn thuyền bè thì ngược xuôi trên đó. Muôn sự muôn vật đã vậy thì con người cũng thế cũng hoàn toàn không có tự thể. Thân thể bao gồm lục phủ ngũ tạng, nếu mỗi tạng đều có tự thể. Tim chỉ biết có mình, gan ruột phổi phèo …. cũng thế thì làm sao mà các cơ quan ấy có thể dung thông với nhau để chúng ta có thể sống? Đây là xét về mặt thể chất thô phù, còn về phương diện tâm linh vi tế lại còn phức tạp hơn rất nhiều. Nếu ai cũng cứ theo ý riêng mình thì làm sao mà có thể đi đến chỗ cảm thông, hoà hợp hoà giải với nhau được ? Sự sống dù là loài vô tình hay hữu tình suy cho cùng hết thảy đều có sự hoà hợp. Sự hoà hợp ấy gọi là hợp với lẽ ĐẠO. Hợp với trời thì sống, trái với trời thì chết(Thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong) Sống cách sao để “Thuận thiên tức hợp với CHÚA, biết vâng theo Thánh Ý Ngài đó là tất cả yếu quyết của khoa học tâm linh đồng cũng là của ĐẠO CHÚA”Mọi sự đều ra từ Đức Chúa Trời, Ngài đã nhờ Đức Kitô mà khiến chúng ta hoà lại với NGƯỜI và giao cho chúng ta chức dịch giải hoà”2C. 5,18. Mục đích xuống thế của Đức Kitô là để cho con người hoà lại với THIÊN CHÚA, Nói đến hoà lại tức có nghĩa trước đó đã có sự bất hoà và sự bất hoà ấy đã khởi sự từ Adam nguyên tổ khi cố tình ăn trái cấm”ĐCT phán dạy rằng ngươi được tự do ăn hoa quả các thứ cây trong vườn. Nhưng về cây biết phân biệt điều thiện điều ác thì chớ có hề ăn đến,. Vì một mai ngươi ăn đến chắc là phải chết”STK, 2, 16-17. Trái cấm là biểu tượng cho sự phân biệt, còn Vườn Địa Đàng là Tâm Vô Phân Biệt. Khi tâm khởi phân biệt là lúc phải rời khỏi Địa Đàng để bước vào chốn gian trần khổ ải “Đất sẽ sanh chông gai, và cây trái đắng đót”STK, 3, 18. Tâm vô phân biệt cũng tức là cái tâm trẻ thơ(xích tử chi tâm) và đồng thời cũng chính là Nước Trời mầu nhiệm nội tại chỉ có thể được dành cho con trẻ”Cha ơi, Cha là CHÚA trời đất. Con cảm tạ Cha vì Cha đã giấu những điều này (mầu nhiệm Nước Trời)với những kẻ khôn ngoan thông sáng mà bày tỏ cho con trẻ. Phải Cha ơi, vì như vậy đẹp lòng Cha.”Mt 11, 25-27.
Tại sao mầu nhiệm Nước Trời chỉ mở ra cho con trẻ mà đóng lại với những kẻ khôn ngoan thông sáng ? Bởi vì con trẻ thì đơn sơ trong trắng, dễ tin, dễ nhận, trái lại những kẻ khôn ngoan thì cậy vào tài trí của mình, đức tin không thể triển nở, do vậy ngã chấp ngày càng sâu dày. Thiên Chúa là Đấng Ẩn Giấu (Deus Abconsditus) nhưng lại ẩn giấu ở nơi ta, phải bỏ “Cái Ta”đi thì mới có thể gặp được Ngài.Bỏ dược chừng nào thì CHÚA hiện chừng ấy, không bỏ thì không có cách chi gặp được. Chỉ khi nào bỏ hết ‘Cái Ta”đi thì khi ấy mới gọi là Thấy Chúa cũng tức là Sự Sống Đời Đời ở nơi chính mình”Sự sống đời đời là nhận biết CHA, (Kiến Tánh) tức Chân Thần Duy Nhất cùng GiêSu Kitô mà CHA đã sai đến”Ga, 17,3. Ai cũng biết theo Chúa thì phải”bỏ mình”tức bỏ cái TA đi, thế nhưng việc ấy vô cùng khó khăn bởi vì nó đã đụng chạm đến cái phần thâm sâu của bản ngã. Theo CHÚA thì giống như cái việc chèo nước ngược ắt sẽ không khỏi bị thế gian cho là khờ là dại. Tuy nhiên đường lối CHÚA là vậy không thể có cách nào khác “Vì tại thế gian cậy sự khôn ngoan mình, chẳng do sự khôn ngoan ĐCT mà nhận biết ĐCT cho nên ĐCT vui lòng dùng sự ngu dại của Đạo chúng ta để rao giảng mà cứu rỗi những kẻ tin”1C, 1-2 Chúa chỉ có thể cứu những kẻ tin, bởi đó Đạo Chúa cũng còn gọi là Đạo Đức Tin (Rm 10,8)

Tác giả: Phùng Văn Hóa


KHOA HỌC VÀ ĐỨC TIN: §2 - THẦN HỌC VỚI VIỆC TÌM CHỨNG LÝ


Thần học hiểu như một thứ khoa học đào sâu tìm hiểu mầu nhiệm Thiên Chúa (xem ”Dẫn vào Thần học” của Lm N.v.Tuyên) trong bấy lâu nay thực chất không hơn không kém cũng vẫn chỉ là một thứ triết học về vũ trụ (philosophie de la nature). Lẽ ra đối tượng của Thần Học phải là Thiên Chúa nhưng tại sao lại là vũ trụ? Để trả lời cho câu hỏi này ta phải xét đến mục đích của nó và đây là định nghĩa của Kinh viện học ”Triết học là khoa học về vạn vật, lấy những nguyên nhân tối cao để giải nghĩa chúng” (Laphilosophie est la science des choses par leurs causes suprêmes) Qua câu định nghĩa này ta thấy Thiên Chúa đã được đồng hóa với cái gọi là ”Nguyên nhân tối cao”. Thiên Chúa là nguyên nhân tối cao. Ngược lại, nguyên nhân tối cao là Thiên Chúa. Như vậy vấn đề của Thần Học cũng chẳng khác gì của triết, đó là tìm cho biết về cái căn nguyên của vũ trụ vạn vật. 
Từ rất lâu xa vào thời thượng cổ, các triết gia Hylạp đã tìm cách giải nghĩa về căn nguyên ấy. Thàles [624-547] nói ”Tất cả là nước”. Anaximandre [610-545] nói ”Tất cả đều bất định” Anaximene [585-528] nói là khí. Còn Phytagore [570-496] nói là ”Hòa âm”(cosmos) Heraclite [544-484] nói là Lửa v.v….Cố nhiên không ai ngây thơ hiểu những yếu tố mà các triết gia nói tới ở đây như = nước, lửa, khí…. theo nghĩa đen mà các nhà tư tưởng cổ đại ấy chỉ muốn nói lên một điều rằng tất cả vạn vật đều được phát sinh từ một bản thể duy nhất. Dẫu vậy cuộc truy tìm căn nguyên ấy chỉ đến khi có sự xuất hiện của hai tên tuổi lớn là Platon [427-347] và học trò của ông là Aristote [384-322] thì nó mới thực sự đi vào hệ thống hóa trong đó bao gồm hai môn, một là Siêu Hình Học(Metaphysics) và hai là Vật Lý Học (Physics) nghiên cứu về hiện tượng. Ảnh hưởng của hai triết gia này đối với Âu Châu Công Giáo hết sức là lớn. Thế nhưng cũng có thể nói chính là nhờ vào giáo hội thời đó mà triết học của hai nhà tư tưởng lớn này mới có cơ tồn tại cho tới ngày nay. Thoạt đầu khi mới du nhập, triết Hylạp cách riêng là Aristote đã gặp phải những phản ứng gay gắt. Vào năm 1210 Tgm Sens và nhiều giám mục khác nhóm họp công đồng tại Paris đã lên án cấm chỉ đọc đọc Aristote, đặc biệt là những tác phẩm về Thiên nhiên học và Siêu hình học của ông.  Ấy vậy mà ngay vào giữa thế kỷ 13, giáo hội dần dà tự kiểm thảo lại và đã đồng ý cho mở những giảng trình công khai về Aristote tại Paris và năm mươi năm sau triết gia này đã trở thành trụ cột về tư tưởng của giáo hội đến nỗi bất cứ ai chủ trương ngược lại đều không thể không bị nghi ngờ là tà đạo ….Aristote đã được trọng vọng đến nỗi đã được xưng tụng là ”Tiền Hô của Đức Kitô trong những gì thuộc lãnh vực thiên nhiên không khác gì Jean Baptit trong lãnh vực ân sủng” (Proecursor Christi in rebus naturalibus sicut Joannes Baptistain rebusgratuitis).
Giống như Jean Baptite, Tiền hô là người đi trước dọn đường cho Chúa Cứu Thế. Vậy thì tiền hô trong lãnh vực thiên nhiên Aristote có là kẻ dọn đường và dọn đường cho ai? So sánh như trong trường hợp này thật quá ư khập khiễng và vô nghĩa. Tuy vậy ở đây người ta chỉ muốn nói lên tính chất vô cùng quan hệ của Aristote đối với giáo hội thời đó, một giáo hội đã và đang bị tràn ngập bởi vô số tà thuyết phiếm thần do ảnh hưởng của Platon để lại. Nguyên do bởi đâu mà Aristote một kẻ vô giáo nghĩa là hoàn toàn đối nghịch với Kinh Thánh và đức tin lại được tuyên dương như vị tiền hô cho Đấng Cứu Thế ? Đó là bởi triết học ấy có một điểm rất quan hệ trùng khớp với lập trường giáo hội = Sự tách biệt triệt để giữa Đấng Sáng Tạo và các tạo vật ”Thomas luôn luôn bảo trì sự tách biệt giữa Đấng Tạo Hoá và tạo vật. Hơn nữa với quan niệm một Thiên Chúa siêu việt có quyền năng vô hạn do đó được quan niệm như có khả năng sáng tạo vạn vật cách phi thường từ hư vô, thừa hưởng được từ Do Thái giáo” (L.T. Nghiêm SĐD).
Đấng Thần linh Tạo Hoá hoàn toàn cách biệt với tạo vật, với con người. Đấng ấy có hiện hữu hay không, đó là điều cần phải được chứng minh. St Thomas d’Aquin đưa ra năm chứng lý còn gọi là năm con đường (Quinque viae). Với năm lý chứng này theo những nhà Thomisme đã là quá đủ, có thể chỉ cần một thôi cũng được ”...Tất cả những dữ kiện trên cho phép ta gặp đặc tính tổng quát đầu tiên của cả năm con đường vừa nói trên là phải khởi sự từ một hiện hữu. Vì chỉ cần chấp nhận lý do tồn tại túc lý cho một hiện hữu bất cứ trong kinh nghiệm thường nghiệm … thì cũng đủ để chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa” (L.T.N. SĐD).
Với kinh nghiệm thường nghiệm thì ai cũng thấy trái núi sừng sững kia hiện hữu mà một hạt cát nhỏ li ti đây cũng hiện hữu. Thế nhưng đó chỉ là ”Thường nghiệm”tức cái nhìn của …. người đời. Còn với khoa học thì trái núi hay hạt cát không đơn thuần là trái núi hay hạt cát mà đó là tổng thể của các đơn chất (nguyên tử). Vật nọ vật kia có vẻ hiện hữu thật đó nhưng chỉ là hiện hữu theo cái nhìn thường nghiệm. Đi tìm nguyên nhân cho những cái gọi là ”vật nọ, vật kia” để rồi kết luận tất yếu phải có đấng tạo ra chúng. Kết luận ấy phải chăng là vô bằng ?

Tác giả: Phùng Văn Hóa



KHOA HỌC VÀ ĐỨC TIN: §1 - CƠN KHỦNG HOẢNG ĐỨC TIN TRONG GIÁO HỘI



Đức Kitô nêu dụ ngôn người đàn bà góa và viên quan án có ý nhắc nhở mọi người: Hãy bền lòng cầu nguyện vì “Ngày của Chúa đã gần”. Tiếp đó Ngài có nói một câu khiến chúng ta cần nên suy ngẫm “Liệu khi Con Người đến há sẽ tìm được đức tin trên mặt đất này chăng?” (Lc 18, 8) Trong Thánh Lễ hàng ngày mọi tín hữu vẫn tuyên xưng và mong mỏi ngày Chúa lại đến. Thế nhưng thực tế thì sao ? Chúng ta có thực sự tin, thực sự mong Ngày Chúa đến? Ngày Chúa đến Kinh Thánh cho biết cũng chính là Ngày Tận Thế. Ngày này chẳng biết khi nào đến nhưng chắc chắn phải có khi mà các điều kiện đã hội đủ “Môn đệ bèn hỏi : Thưa Chúa ở đâu (bao giờ) Ngài đáp: xác chết ở đâu, diều hâu ở đó” Lc 17, 37. Ở đây Chúa không khẳng định nhưng chỉ đặt nghi vấn = Liệu chừng con người còn có đức tin trong những ngày tháng đó hay không? Câu trả lời là của mỗi người. Nếu ai đó còn cầu nguyện cách kiên trì dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, kẻ đó còn có đức tin. Ngược lại nếu bỏ hẳn hoặc cầu nguyện chỉ còn là  cái hình thức phô trương bề ngoài thì kể như đức tin đã mất. Tôn giáo cùng với Tín Ngưỡng là một. Thế nhưng rất có thể nó chỉ là mê tín dị đoan khi mà con người còn phủ phục vái van trước các ngẫu tượng thần linh ngoại lai nào đó. Đạo Chúa là đạo đức tin và đức tin ấy không phải là tin vào đấng nào khác nhưng là tin vào Đấng Chúa ở nơi chính mình “Đạo ở gần ngươi, ở trong lòng ngươi tức là Đạo đức tin mà chúng tôi rao giảng đây” Rm 10, 8.
Giáo hội hiện đang lâm cơn khủng hoảng và khủng hoảng cách nghiêm trọng mà nguyên nhân gây ra cho nó theo lời đức cố hồng y F.X. Nguyễn Văn Thuận là do đã “Hạ giá cầu nguyện” (ĐHV 134). Hạ giá có nghĩa đã không coi trọng việc cầu nguyện như đáng ra phải có. Có hai loại hạ giá, một là coi việc đọc kinh lần hạt như là cái việc đạo đức bình dân chỉ dành cho hạng đàn bà con trẻ, không biết suy biết luận thì thôi đọc kinh …cũng được v.v… Hai là đã biến việc cầu nguyện thành ra suy niệm này nọ, kinh gì cũng đem ra suy, diễn giải tràn lan. Kinh Lạy Cha cũng suy, kinh Mân Côi cũng suy. Thậm chí kinh Tám mối phúc thật có người (Jacque Dupont OSB) còn suy bằng cả một cuốn sách dày hàng ngàn trang trong đó thuần túy chỉ là xuyên tạc bóp méo Kinh Thánh. Tuy nhiên có đúng là việc hạ giá cầu nguyện là nguyên nhân đưa đến khủng hoảng hay không? Theo tôi thì không phải, thật ra đó cũng chỉ là một trong các hiện tượng tất yếu của cơn khủng hoảng đức tin mà thôi.

CHƯƠNG MỘT
Cơn khủng hoảng Đức tin trong Giáo hội
Kinh Thánh từ bao đời nay vẫn được giáo hội tin, giảng dạy là sách chứa đựng những chân lý vĩnh cửu và tác giả của sách ấy chẳng phải ai khác mà đó chính là Thiên Chúa Đấng Thượng Trí Vô Song. Thế nhưng niềm tin ấy đã bị lung lay và hầu như sụp đổ trước những khám phá khoa học. Có hai phát kiến gây ảnh hưởng đến đức tin cách nghiêm trọng:
1/- Về Thiên văn
 Trong giới khoa học người ta lấy Nicolas Corpecnic [1473- 1543] với phát kiến hệ nhật tâm (mặt trời là trung tâm) của ông để như một thứ mốc phân chia hai thời kỳ. Từ Corpecnic trở về trước là thời Ptolemy [83- 161] thuộc hệ địa tâm (trái đất là trung tâm). Trong hệ địa tâm này người ta cụ thể là Thần Học Âu châu trung cổ cho rằng trái đất là trung tâm bất động của vũ trụ do Thiên Chúa sáng tạo cùng với toàn bộ các công trình của Ngài. Thiên Chúa đã sáng tạo bằng cách dùng đất nặn ra các loài động vật chim muông. Riêng con người thì còn hà hơi vào để cho nó có linh hồn v.v…Thiên Chúa cũng lập ra vườn Địa Đàng và vườn ấy có địa điểm cụ thể rõ ràng (có vẽ cả bản đồ) ở nước Irac nơi vùng Tây Nam Á châu bây giờ. Tất cả những gì ghi chép trong sách Sáng Thế ký được hiểu theo nghĩa đen như thế đều hoàn toàn trái ngược với phát kiến khoa học của Corpecnic và tiếp đến là của Gallileo [1564 – 1642] Trái đất tự quay quanh mình một vòng 24 giờ và quay quanh mặt trời một vòng 365 ngày. Kiến thức khoa học ấy bây giờ ngay cả một học sinh cấp hai cũng biết. Ấy vậy mà cách đây bốn thế kỷ đó là một sự kiện long trời lở đất. Phản ứng của giáo hội thời đó thật là gay gắt, Gallileo chỉ chút nữa đã bị đưa lên giàn thiêu. Mặc dầu vậy trong vấn đề này = Trái đất có là trung tâm hay không, cho đến nay khi nhân loại đã bước vào kỷ nguyên thiên văn vô cùng tiến bộ, khám phá ra vô vàn vô số thiên hà cách xa trái đất hàng tỉ năm ánh sáng thì dường như đức tin Kitô giáo vẫn vậy …chẳng có chi thay đổi, vẫn là một thử thách không thể vượt qua. Sau khi cơ quan hàng không vũ trụ NASA phát hiện ra sự sống trên Sao Hỏa thì các giáo hội Kitô đã đồng loạt lên tiếng. Ông John Polkinghome một giới chức Anh giáo và là giám đốc Queens College trả lời báo The Guardian “Tranh luận trong giới tôn giáo về sự sống trên các hành tinh khác đã kéo dài từ bao thế kỷ nay. Vấn đề đặt ra như sau: nếu đức Kitô chết để chuộc tội cho nhân loại vậy thì những người ở hành tinh khác sẽ ra sao, liệu họ có được cứu chuộc không ? Nếu họ cũng cần cứu độ thì Thiên Chúa cũng mặc lấy xác phàm của họ như đã mặc lấy xác loài người hay chăng” (Xem TB CG&DT số 1073 ngày 15-9-1996)
Nguyên nhân đưa đến sự tranh cãi dằng dai cả mấy thế kỷ của giới khoa học và giới tôn giáo mà vẫn không thể giải quyết đó là vì chẳng bên nào chịu nhận ra được bản chất thực sự của việc cứu độ rằng cứu cái gì ? Cứu cách sao? v..v. Giáo hội một mặt vẫn ra sức chống đỡ, mặt khác đức tin vẫn cứ đội nón ra đi không hề ngoái lại. Ngoài ra đức tin còn phải đối mặt với một thế lực khác nguy hại không kém đó là học thuyết tiến hóa.
2/- Về mặt tiến hóa
Nếu phát kiến hệ nhật tâm của Corpecnic là cuộc cách mạng trong thiên văn thì Darwin với thuyết tiến hóa là cách mạng trong sinh học. Thật vậy trước Darwin [1809-1882] tư tưởng duy tâm tôn giáo thống ngự trên khắp các lãnh vực từ triết học cho tới sinh vật học với quan điểm cho rằng toàn thể vạn vật trong đó có cả con người đều đã được Thiên Chúa tạo dựng cùng một lần và chúng không hề có sự biến đổi nào qua không gian và thời gian. Adam và Eva là hai người nam và nữ đầu tiên đã sống trên trái đất này cùng với núi non sông ngòi chim muông thú vật v..v. Cũng chính bởi tin tưởng Adam là con người bằng xương bằng thịt thế nên căn cứ vào gia phả đã được ghi chép mà người ta định ra niên đại của vũ trụ chỉ mới được tạo dựng trước công nguyên có 4923 năm. Niên đại này quá nhỏ nhoi so với lịch sử năm tỷ năm của trái đất. Mặc dầu vậy giáo hội thời đó cũng không cho phép bất cứ ai được nói khác: Trong quyển “Lịch sử vạn vật” Buffon chủ trương trái đất đã có khoảng 70.000 (Bảy mươi ngàn) năm thế mà đã bị coi là một xúc phạm lớn lao và tác phẩm đã bị cấm đoán, khi Darwin chết người ta còn dạy rằng vũ trụ được tạo dựng 4923 năm trước kỷ nguyên và cuốn tự điển Larouse xuất bản năm 1882 ghi rằng đó là niên kỷ duy nhất được chấp nhận trong các trường (N.V. Thọ - Le Comte du Nouy và học thuyết viễn đích)
Thật ra trước Darwin đã có Lamark (1744-1929) nhà khoa học tự nhiên người Pháp nổi tiếng với tác phẩm “Triết học về động vật học”. Trong đó nêu luận chứng cho rằng “sự thay đổi của môi trường bên ngoài dẫn tới sự xuất hiện những tính chất mới của sinh vật và những tính chất mới này được di truyền lại” Đây là một quan điểm rất mới và hoàn toàn khác với những điều người ta vẫn tin được chép trong sách sáng thế. Quan điểm của Lamark thời ấy đã rất chi là tiến bộ. Dẫu vậy ông vẫn bị coi là duy tâm khi chủ trương bản thân vật chất không thể vận động và sự phát triển của hữu sinh cũng như của vô sinh là tuân theo “mục đích nội tại của Thượng Đế”. Sau Lamarck nửa thế kỷ, “Học thuyết tiến hóa” chính thức ra mắt với tác phẩm có cái tựa khá dài “Nguồn gốc các loài bằng con đường chọn lọc tự nhiên hay là sự bảo tồn những dạng thích nghi trong đấu tranh sinh tồn”. Với tựa sách dài thậm thượt như vậy, gần như Darwin đã tóm lược toàn bộ học thuyết của mình. Ở đây ta thấy thuyết Darwin hoàn toàn bác bỏ Đấng Thần Linh Tạo Hóa như là nguyên nhân sáng tạo vạn vật để thay thế vào đó là hai yếu tố. Một là chọn lọc tự nhiên và hai là đấu tranh sinh tồn. Thuyết tiến hóa tỏ rõ sức sống của nó được củng cố bằng những khám phá khoa học ngày càng nhiều trên khắp lãnh vực từ thiên văn cho đến địa chất. Từ sinh vật học cho đến di truyền học v.v…Với hoàn cảnh rất ư bất lợi cho đức tin như thế giáo hội cuối cùng đã phải xoay chiều “Trong một Thông điệp tháng 8 năm 1950, ĐGH Pio XII tuyên bố giáo dân được học thuyết tiến hóa miễn là thuyết ấy chỉ tìm căn nguyên thể xác con người trong một sinh cơ tiền tại và từ đầu thế kỷ XX thay vì dùng Thánh Kinh để phi bác thuyết tiến hóa, các nhà biện giải TK ngược lại đã cố giải thích TK cho phù hợp với các khám phá khoa học” (N.v.Thọ. SĐD)
Sau biết bao nỗ lực giải thích TK cho phù hợp với khoa học. Có một thực tế này là đức tin vào sự hiện hữu của một Đấng  Thiên Chúa chân thật, Thiên Chúa của Abraham, của Isaac, và của Giacop (Lc 23,37) đã biến mất để nhường chỗ cho những khái niệm chết khô về Ngài. Pierre Teilhard de Chardin, một linh mục, một chuyên gia địa chất học, sinh vật học lỗi lạc đã phát biểu về đức tin thế này “Tôi tin rằng cuộc tiến hóa này tiến tới thần linh. Tôi tin rằng Thần Linh sẽ kết thúc trong Thượng Đế hữu ngã. Tôi tin rằng Thượng Đế hữu ngã tuyệt đối là đấng Christ đại đồng phổ quát” (Georges Magloire. T. de Chardin)

Tin rằng tiến hóa sẽ dẫn tới Thần Linh. Điều ấy chứng tỏ cái gì nếu chẳng phải là đã đương nhiên bác bỏ tôn giáo và cách riêng là phủ nhận vai trò cứu độ của Đức Kitô khi Ngài nói “Ta là đường là sự thật Và là sự sống, Không ai đến được với CHA mà không qua Thầy” Ga, 14,6. Cuộc khủng khoảng đức tin hiện nay xét cho kỹ đó là hậu quả gây ra do việc dung hòa đức tin và khoa học của Thần học duy lý cách nay hàng ngàn năm.
Tác giả: Phùng Văn Hóa

Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2012


Lời mùa xuân
Chúa Xuân









Mùa xuân là khởi đầu, là hy vọng. Lời chúc đầu xuân bay đến bạn vào những thời khắc chuyển giao một năm mới đều là những lời tốt đẹp. Chúc thành công, may mắn. Chúc mọi sự an lành, chúc ước mơ thành hiện thực. Chúc phú quý đại lợi. Chúc an khang thịnh vượng. Và dễ thương nhất là lời chúc "vạn sự như ý".

Dễ thương bởi vì nó nói lên đúng bản chất con người.

Tham!

Vâng, không tham sao mong đến cả vạn sự như ý.

Mà nếu vạn sự chẳng ngờ đều như ý cả thì ai đó cũng sẽ rơi vào cảnh tịch mịch cô liêu như kiếm khách Độc Cô Cầu Bại của Kim Dung, bởi lẽ cuộc đời không còn gì để tranh đấu.

Dễ thương bởi vì nó giả.

Biết đây trong số vạn sự con người kia khát khao không có một ước muốn muốn tiêu diệt, thôn tính người buông lời chúc đây!

Thôi thì hãy chúc "vạn sự gần gần như ý" để còn mang cảm giác thật.

Mà nếu thực tế hơn thì một sự (lớn nhất) như ý!

Bởi lẽ một sự như ý đã đủ khiến nhiều người sướng không bút nào tả xiết.

"Như ý" - là hai từ màu nhiệm để ai cũng mỉm cười. Nó là cấp thấp hơn (hình như thế) của hai từ Hạnh phúc.

Hạnh phúc là một cái - gì - đó thật khó nắm bắt. Con người dường như không ai đạt tới tột đỉnh hạnh phúc cả.

Có hạnh phúc nhỏ và hạnh phúc lớn.

Hạnh phúc nhỏ là khi bạn khát có nước uống - nó là sự đáp ứng nhu cầu tức thì. Còn hạnh phúc lớn mà bạn đạt được ước mơ lớn.

Nhưng thế nào là ước mơ lớn?

Có cần phải chinh phục vũ trụ mới là ước mơ lớn không? Hay chỉ là một vị trí trong công ty khi bạn mới là nhân viên tập việc.

Và liệu có công bằng không khi bạn chỉ nhăm nhăm vào công danh bạn mà không biết đến tình yêu.

Hạnh phúc lớn và hạnh phúc nhỏ.

Đấy là nói cho vui chứ hạnh phúc làm gì có lớn, nhỏ. Hạnh phúc là hạnh phúc. Vậy thôi. Nhưng nó thật vô cùng. Bởi có người cả đời tìm hạnh phúc mà nó như một kẻ chơi trò trốn tìm quá ác cứ lẩn tránh hoài. Để rồi bạn cứ phải đợi đến... mùa xuân.

Vì mùa xuân hình như hạnh phúc dễ tìm đến hơn.

Khi nhìn cảnh sắc thiên nhiên khi thấy vạn vật như cùng chung khúc ca của ánh sáng và nụ cười, mọi người ai cũng nên tươi tắn và giàu sinh khí hơn. Nhưng cố nhà thơ Xuân Diệu lại thốt lên:

"Xuân đang tới nghĩa là xuân đang qua
Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già
Mà xuân hết nghĩa là tôi đã mất"

Mùa xuân trần thế với Xuân Diệu thật gấp gáp, hối hả. Trái tim mong manh nhạy cảm của nghệ sỹ như không chịu đựng nổi. Vì hạnh phúc đến rồi đi, mà dường như không có hạnh phúc nào trọn vẹn.

Làm sao níu giữ được mùa xuân?

Bậc hiền triết Osho không dạy ai đó níu giữ mùa xuân vì ông cho rằng: thật kỳ lạ nếu mọi người cả năm trời khốn khổ và tự nhiên mùa xuân đến là có quyền nhảy múa, ca hát. Vậy hoặc khốn khổ là giả hoặc mùa xuân là giả, cả hai không thể là thật được. Và như thế hết mùa xuân là mọi người lại quay về với những khốn khổ của mình. Không, cuộc sống phải là lễ hội liên tục, liên hoan ánh sáng. Hãy biến những điều nhỏ bé thành lễ hội.

Mãn Giác thiền sư như vén mây mù cho chúng ta:

"Xuân đi trăm hoa rụng.
Xuân đến trăm hoa cười.
Trước mắt việc đi mãi
Trên đầu già đi rồi
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một nhành mai"
(Mãn Giác thiền sư)

Mùa xuân Phật giáo là sự an lạc trong tỉnh thức của từng phút giây. Không quá mong đợi mùa xuân đến, không vội âu lo khi mùa xuân đi. Bởi đó là quy luật của tự nhiên.

Bạn có thể vui cười khi đang nhảy múa trong công viên và trận mưa ào đến làm bạn ướt như chuột. Bạn cần nắng nhưng nơi khác cần mưa và liệu bạn có rộng lòng để vui với những người cần mưa hơn không? "Không ai tắm hai lần trên một dòng sông" - vì thế mỗi khoảnh khắc của thiên nhiên - cũng là khoảnh khắc của chính bạn - không thể lặp lại lần thứ hai. Hãy tận hưởng những khoảnh khắc đó thay vì lên án nó, vì thật ra bạn đâu làm gì nổi nó!

Nhưng đó vẫn là lý thuyết mà cây đời thì mãi xanh tươi như Goethe nói. Vì thế mỗi độ xuân sang, lòng bạn vẫn như trảy hội. Mùa hạ có vẻ nồng nàn, cuồng nhiệt, mùa thu mang sắc thái hoài niệm, vương vấn, mùa đông với vẻ ảm đạm như trút bỏ những gì tàn úa để xuân về lại bừng lên sự sinh sôi.

Xuân là xanh là màu của hy vọng. Mà hạnh phúc thực ra cũng nằm ở ngay chính niềm hy vọng đó.


(ST)


--------------------------------------------------------------------------------