Thứ Sáu, 18 tháng 2, 2011

Mùa Xuân về!


Khi mùa xuân về, lòng người cũng như đất trời có một mối giao hòa khó tả, tinh hoa của đất trời là Mùa xuân.
Mùa xuân trong Kiều còn độc đáo chỉ bằng hai câu thơ của bậc thiên tài.
"Cỏ non xanh rợn chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa."

Cụ Nguyễn Du mô tả cái gì cũng vậy, bằng hai câu thơ mà gột tả được một con người như chàng họ Mã :

Quá niên trạc ngoại tứ tuần
Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao

Và một Sở khanh với "Hình dong chải chuốt, áo khăn dịu dàng" Với một Kim Trọng " Vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa". Nhưng với cụ Nguyễn không gì bằng cách tả cảnh của các mùa trong năm.
Mùa hè thì với "lửa lựu"

Dưới trăng quyên đã gọi hè
Đầu tường lửa lựu lập lòe đơm bông.

Với mùa Thu thì cảnh vật có mờ ảo hơn, mênh mông hơn với khói sương huyền hoặc, như một nhà thơ nào đó nói "vàng rơi vàng rơi,thu mênh mông". Với cụ Nguyễn " Long lanh đáy nước in trời, thành xây khói biếc non phơi bóng vàng"
Thật là tài tình phải không? Với ông chỉ một câu cũng có bao gồm "khói biếc" và "bóng vàng".

Lại nói về mùa xuân với "cỏ non xanh rợn chân trời" thì chúng ta thử bàn đến Mùa Xuân trong bài Xuân của Chế Lan Viên. Một mùa xuân không chờ,không đợi. Đúng vậy, có ai chờ đợi mùa xuân đâu, như Trịnh Công Sơn cũng đã nói: Thêm một mùa xuân của đất trời thì mất đi một mùa xuân của đời người.
Với Chế Lan Viên thì: Đem chi xuân lại gợi thêm sầu. Một tâm trạng buồn chán, "ai đâu trở lại mùa thu trước, nhặt lấy cho tôi những lá vàng" một hoài niệm trong cô đơn và vô vọng.
Mùa xuân trong thơ Hàn Mặc Tử thì mang dáng vẻ "dân dã" hơn, độc đáo hơn trong hoàn cảnh ông chưa bị bệnh, trước thời điểm người ta gọi là trường thơ "Điên"
Hình ảnh con người sống động hơn với hai câu. "Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời. Bao cô thôn nữ hát trên đồi"

Mùa xuân của Ông cũng gợi tả cho chúng ta một hồn quê mang dáng vẻ rất độc đáo: " Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng" mà con người với thiên nhiên như hòa vào nhau, cảm nhận những tinh hoa, nhạy cảm nhường nào. "Sột soạt gió trêu tà áo biếc". Nói đến mùa xuân, người ta thường nói đến sự tươi trẻ, lòng con người đầy nhiệt huyết, đầy sinh lực. Không phải vì thế mà không báo trước cho con người một mùa Xuân sẽ qua và mang đi tuổi xuân của mình. “ngày mai trong đám xuân xanh ấy, có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi” đó là một sự thật hiền nhiên. Nhưng với các thi nhân có cái gì đó “hết mình” với Xuân không ai khác ngoài Xuân Diệu. Với ông “vội vàng” với nàng thơ, đa tình với nàng Xuân. “Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua, Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già” với ông “trẻ” và “già” luôn canh cánh bên lòng, vì trẻ ẩn chứa cái gìa, trong sự “vội vàng” nhưng ông luôn luôn có một khát khao sống và muốn sống nhiều hơn nữa, không gian xuân của đất trời với ông còn quá nhỏ bé, chật hẹp nhường nào “Lòng tôi rộng nhưng lượng trời cứ chật, không cho dài thời trẻ của nhân gian”, Vẫn biết rằng xuân đi rồi xuân đến, nhưng mà với ông thì mùa xuân của con người không bao giờ trở lại. “Còn trời đất nhưng chằng còn tôi mãi, nên bâng khâng tôi tiếc cả đất trời”
Một nhà thơ Xuân Tường cũng có những cảm nhận riêng, rất riêng với bài Xuân. Với ông cũng vậy. Mùa xuân của đất trời thật đẹp, một nét nào đó cũng tương đồng với Xuân Diệu. “Cho xuân vẫn tưởng xuân còn trẻ, và những tình yêu vẫn mặn nồng” phải nói rằng ông cũng khá hời hợt. Ông cũng là người tự nhận mình đứng ngoài cuộc, ngoài những gì chuyển động của đất trời, vì ông nói rằng ông chỉ dành riêng mùa Xuân cho người mà mình yêu dấu “Tôi biết xuân này xuân của em” không còn nghi ngờ gì nữa, ông cũng “bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời” khi tuổi trên đầu luôn luôn cộng một, mùa xuân thì năm nào cũng có.

Mùa xuân trong thơ Nguyễn Bính mang một dáng vẽ dân dã kỳ lạ, mùa xuân như những cô gái quê mà “lòng trẻ còn như cây lụa trắng”. Lòng người với mùa xuân trong thơ ông mộc mạc, cũng như tình yêu cũng vậy. “bữa ấy mưa xuân phơi phới bay” và lòng người cũng đang phơi phói trong tình yêu, một tình yêu thật đơn giản, một tình yêu trong sáng nhường nào.

Chiều Xuân của Anh Thơ còn độc đáo hơn bởi “mưa đổ bụi êm êm trên bến vắng” thật là thong thả và yên bình dường bao. Bức tranh quê trong xanh, êm đềm đến kỳ lạ. Khi mùa xuân trong thơ Nguyễn Bính với “hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy” với hội chèo làng, thì trong Anh Thơ cũng “chòm xoan hoa tím rụng tơi bời” Cái yên bình và vắng lặng ấy rất độc đáo với “những trâu bò thong thả cúi ăn trưa” hoàn tòan ngược lại với “hội chèo làng” của Nguyễn Bính. Màu xanh của Xuân ở đây rất tươi thể hiện qua “xanh rờn và ướt lặng”, trong cái tĩnh có cái động, và con người ở đây cũng vậy.
Trong đồng lúa xanh rờn và ướt lặng
Lũ cò con chốc chốc vụt bay ra,
Làm giật mình một cô nàng yếm thắm
Cúi cuốc cào cỏ ruộng sắp ra hoa.

Trong âm nhạc thì có những mùa xuân tràn đầy niềm vui, mùa xuân hiến dâng cho đời “anh cho em mùa xuân, nụ hoa vàng mới nở, chiều đông nào nhung nhớ”
…………………………….

Nói về mùa Xuân trong thơ, trong nhạc thì không bao giờ hết, mỗi người, mỗi nhà thơ, nghệ sĩ cảm nhận với một tâm trạng, một góc nhìn khác nhau. Bởi vậy khi kết thúc bài này, rất mong sự góp ý của quý vị.
Những “mạo muội” của tôi có “thô thiển” thì xin các cao nhân đừng cười, và mong được học hỏi nhiều.
Ai đem tất cả vào tâm vọng
Dõi bóng đời qua cuộc tử sinh!

Chúc một năm mới an khang thịnh vượng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét