Thứ Hai, 30 tháng 1, 2012



KHOA HỌC VÀ ĐỨC TIN: §2 - THẦN HỌC VỚI VIỆC TÌM CHỨNG LÝ


Thần học hiểu như một thứ khoa học đào sâu tìm hiểu mầu nhiệm Thiên Chúa (xem ”Dẫn vào Thần học” của Lm N.v.Tuyên) trong bấy lâu nay thực chất không hơn không kém cũng vẫn chỉ là một thứ triết học về vũ trụ (philosophie de la nature). Lẽ ra đối tượng của Thần Học phải là Thiên Chúa nhưng tại sao lại là vũ trụ? Để trả lời cho câu hỏi này ta phải xét đến mục đích của nó và đây là định nghĩa của Kinh viện học ”Triết học là khoa học về vạn vật, lấy những nguyên nhân tối cao để giải nghĩa chúng” (Laphilosophie est la science des choses par leurs causes suprêmes) Qua câu định nghĩa này ta thấy Thiên Chúa đã được đồng hóa với cái gọi là ”Nguyên nhân tối cao”. Thiên Chúa là nguyên nhân tối cao. Ngược lại, nguyên nhân tối cao là Thiên Chúa. Như vậy vấn đề của Thần Học cũng chẳng khác gì của triết, đó là tìm cho biết về cái căn nguyên của vũ trụ vạn vật. 
Từ rất lâu xa vào thời thượng cổ, các triết gia Hylạp đã tìm cách giải nghĩa về căn nguyên ấy. Thàles [624-547] nói ”Tất cả là nước”. Anaximandre [610-545] nói ”Tất cả đều bất định” Anaximene [585-528] nói là khí. Còn Phytagore [570-496] nói là ”Hòa âm”(cosmos) Heraclite [544-484] nói là Lửa v.v….Cố nhiên không ai ngây thơ hiểu những yếu tố mà các triết gia nói tới ở đây như = nước, lửa, khí…. theo nghĩa đen mà các nhà tư tưởng cổ đại ấy chỉ muốn nói lên một điều rằng tất cả vạn vật đều được phát sinh từ một bản thể duy nhất. Dẫu vậy cuộc truy tìm căn nguyên ấy chỉ đến khi có sự xuất hiện của hai tên tuổi lớn là Platon [427-347] và học trò của ông là Aristote [384-322] thì nó mới thực sự đi vào hệ thống hóa trong đó bao gồm hai môn, một là Siêu Hình Học(Metaphysics) và hai là Vật Lý Học (Physics) nghiên cứu về hiện tượng. Ảnh hưởng của hai triết gia này đối với Âu Châu Công Giáo hết sức là lớn. Thế nhưng cũng có thể nói chính là nhờ vào giáo hội thời đó mà triết học của hai nhà tư tưởng lớn này mới có cơ tồn tại cho tới ngày nay. Thoạt đầu khi mới du nhập, triết Hylạp cách riêng là Aristote đã gặp phải những phản ứng gay gắt. Vào năm 1210 Tgm Sens và nhiều giám mục khác nhóm họp công đồng tại Paris đã lên án cấm chỉ đọc đọc Aristote, đặc biệt là những tác phẩm về Thiên nhiên học và Siêu hình học của ông.  Ấy vậy mà ngay vào giữa thế kỷ 13, giáo hội dần dà tự kiểm thảo lại và đã đồng ý cho mở những giảng trình công khai về Aristote tại Paris và năm mươi năm sau triết gia này đã trở thành trụ cột về tư tưởng của giáo hội đến nỗi bất cứ ai chủ trương ngược lại đều không thể không bị nghi ngờ là tà đạo ….Aristote đã được trọng vọng đến nỗi đã được xưng tụng là ”Tiền Hô của Đức Kitô trong những gì thuộc lãnh vực thiên nhiên không khác gì Jean Baptit trong lãnh vực ân sủng” (Proecursor Christi in rebus naturalibus sicut Joannes Baptistain rebusgratuitis).
Giống như Jean Baptite, Tiền hô là người đi trước dọn đường cho Chúa Cứu Thế. Vậy thì tiền hô trong lãnh vực thiên nhiên Aristote có là kẻ dọn đường và dọn đường cho ai? So sánh như trong trường hợp này thật quá ư khập khiễng và vô nghĩa. Tuy vậy ở đây người ta chỉ muốn nói lên tính chất vô cùng quan hệ của Aristote đối với giáo hội thời đó, một giáo hội đã và đang bị tràn ngập bởi vô số tà thuyết phiếm thần do ảnh hưởng của Platon để lại. Nguyên do bởi đâu mà Aristote một kẻ vô giáo nghĩa là hoàn toàn đối nghịch với Kinh Thánh và đức tin lại được tuyên dương như vị tiền hô cho Đấng Cứu Thế ? Đó là bởi triết học ấy có một điểm rất quan hệ trùng khớp với lập trường giáo hội = Sự tách biệt triệt để giữa Đấng Sáng Tạo và các tạo vật ”Thomas luôn luôn bảo trì sự tách biệt giữa Đấng Tạo Hoá và tạo vật. Hơn nữa với quan niệm một Thiên Chúa siêu việt có quyền năng vô hạn do đó được quan niệm như có khả năng sáng tạo vạn vật cách phi thường từ hư vô, thừa hưởng được từ Do Thái giáo” (L.T. Nghiêm SĐD).
Đấng Thần linh Tạo Hoá hoàn toàn cách biệt với tạo vật, với con người. Đấng ấy có hiện hữu hay không, đó là điều cần phải được chứng minh. St Thomas d’Aquin đưa ra năm chứng lý còn gọi là năm con đường (Quinque viae). Với năm lý chứng này theo những nhà Thomisme đã là quá đủ, có thể chỉ cần một thôi cũng được ”...Tất cả những dữ kiện trên cho phép ta gặp đặc tính tổng quát đầu tiên của cả năm con đường vừa nói trên là phải khởi sự từ một hiện hữu. Vì chỉ cần chấp nhận lý do tồn tại túc lý cho một hiện hữu bất cứ trong kinh nghiệm thường nghiệm … thì cũng đủ để chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa” (L.T.N. SĐD).
Với kinh nghiệm thường nghiệm thì ai cũng thấy trái núi sừng sững kia hiện hữu mà một hạt cát nhỏ li ti đây cũng hiện hữu. Thế nhưng đó chỉ là ”Thường nghiệm”tức cái nhìn của …. người đời. Còn với khoa học thì trái núi hay hạt cát không đơn thuần là trái núi hay hạt cát mà đó là tổng thể của các đơn chất (nguyên tử). Vật nọ vật kia có vẻ hiện hữu thật đó nhưng chỉ là hiện hữu theo cái nhìn thường nghiệm. Đi tìm nguyên nhân cho những cái gọi là ”vật nọ, vật kia” để rồi kết luận tất yếu phải có đấng tạo ra chúng. Kết luận ấy phải chăng là vô bằng ?

Tác giả: Phùng Văn Hóa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét